Hợp tác kinh doanh giữa cá nhân và công ty
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hợp đồng hợp tác kinh doanh thực hiện như thế nào? Các nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh. Cách thức hợp tác kinh doanh
Nội dung bài viết
Công ty có được ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân hay không? Nếu được thì hợp đồng hợp tác kinh doanh này sẽ phân chia quyền lợi và trách nhiệm như thế nào?
Hợp đồng hợp tác kinh doanh là gì?
Theo quy định tại khoản 14 điều 3 luật đầu tư 2020 quy định hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.“
Chủ thể của hợp đồng hợp tác kinh doanh là đối tượng theo quy định của luật đầu tư bao gồm:
– Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
– Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
– Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh .
Công ty có được phép ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với cá nhân hay không?
Thông thường khi cá nhân đầu tư, góp vốn cùng với công ty có thể thực hiện việc góp vốn và tăng vốn điều lệ tại chính công ty dự định đầu tư hoặc cùng với công ty lập ra một công ty mới để dễ dàng quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một số trường hợp khi hợp tác hai bên không muốn thành lập doanh nghiệp có thể lựa chọn hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo đó, nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh theo quy định tại điều 28 luật đầu tư 2020 như sau:
Điều 28. Nội dung hợp đồng BCC
1. Hợp đồng BCC bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
b) Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
c) Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
d) Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
đ) Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
e) Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
g) Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
2. Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
3. Các bên tham gia hợp đồng BCC có quyền thỏa thuận những nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
Ưu, nhược điểm của hợp đồng hợp tác kinh doanh
Ưu điểm
– Giảm tải được việc thành lập công ty hoặc góp vốn phức tạp việc hợp tác có thể thực hiện ngay sau khi hai bên ký hợp đồng
– Hai bên trong hợp đồng hợp tác giữ nguyên tư cách, hoạt động độc lập và không có ràng buộc khác ngoài nội dung hợp đồng hợp tác
Nhược điểm
– Khó khăn trong xác định tư cách và trách nhiệm đối với các nội dung hợp tác trong hợp đồng do không có chủ thể đồng nhất
– Khó khăn trong việc quản lý cũng như xác định doanh thu, chi phí nếu nội dung hợp tác kéo dài
Quy định về thuế đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC
Khai thuế cho hoạt động hợp tác kinh doanh
Điều 7. Hồ sơ khai thuế
2. Hồ sơ khai thuế tương ứng với từng loại thuế, người nộp thuế, phù hợp vơi phương pháp tính thuế, kỳ tính thuế (tháng, quý, năm, từng lần phát sinh hoặc quyết toán). Trường hợp cùng một loại thuế mà người nộp thuế có nhiều hoạt động kinh doanh thì thực hiện khai chung trên một hồ sơ khai thuế, trừ các trường hợp sau:
đ) Người nộp thuế được giao quản lý hợp đồng hợp tác kinh doanh với tổ chức nhưng không thành lập pháp nhân riêng thì thực hiện khai thuế riêng đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh theo thỏa thuận tại hợp đồng hợp tác kinh doanh.
5. Tổ chức, cá nhân thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho người nộp thuế phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định về khai thuế, nộp thuế như quy định đối với người nộp thuế tại Nghị định này, bao gồm:
c) Tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Tổ chức có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh theo quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế của tổ chức mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời khai thay và nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho cá nhân hợp tác kinh doanh. Trường hợp tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại khoản 5 Điều 51 Luật Quản lý thuế, mà cá nhân có ngành nghề đang hoạt động cùng với ngành nghề hợp tác kinh doanh với tổ chức thì tổ chức và cá nhân tự thực hiện khai thuế tương ứng với kết quả thực tế hợp tác kinh doanh theo quy định.
Hồ sơ khai thuế hợp tác kinh doanh
Hồ sơ khai thuế thay được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư 40/2021/TT-BTC bao gồm:
– Tờ khai thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC;
– Phụ lục Bảng kê chi tiết hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo mẫu số 01-1/BK-CNKD ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC;
– Bản sao hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu là lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng). Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.
Công ty thực hiện khai thuế, nộp thuế theo tháng hoặc quý theo quy định tại điểm b khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 8 Thông tư 40/2021/TT-BTC.
– Nếu công ty (tổ chức khai thuế thay, nộp thuế thay) thuộc trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo tháng: thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thay chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo liền kề tháng phát sinh nghĩa vụ khai thuế thay, nộp thuế thay;
– Nếu công ty thuộc trường hợp nộp hồ sơ khai thuế theo quý: thời hạn nộp hồ sơ khai thuế thay chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của quý tiếp theo liền kề quý phát sinh nghĩa vụ khai thuế thay, nộp thuế thay.
Thời hạn khai và nộp thuế tương ứng với thời hạn khai và nộp thuế của công ty. Tham khảo công văn 1805/TCT-DNL ngày 27/05/2022
Ví dụ về việc hợp tác kinh doanh giữa cá nhân và công ty
Công ty A hợp tác kinh doanh với cá nhân B để khai thác một tài sản, theo đó:
– Tỷ lệ phân chia lợi nhuận giữa A/B là 70/30
– Bên A đứng ra theo dõi và xuất hoá đơn đối với doanh thu thu được.
– Doanh thu hàng tháng nhận được là 100 triệu đồng, VAT 10 triệu đồng.
– Chi phí hàng tháng (gồm khấu hao và chi phí vận hành) là 70 triệu đồng
Về thuế, công ty có nghĩa vụ xuất hóa đơn và chịu các nghĩa vụ về thuế, sau đó phân chia lại doanh thu cho cá nhân theo nội dung hợp đồng hợp tác.
Về thuế với cá nhân, theo hướng dẫn tại công văn 105209/CTHN-TTHT: “Khi chia lại doanh thu cho cá nhân theo hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty lập chứng từ chi, đối với thu nhập từ kinh doanh cá nhân nhận được cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, nộp thuế nộp thuế GTGT, TNCN theo tỷ lệ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC hoặc cá nhân ủy quyền cho Công ty khai và nộp thuế thay theo hướng dẫn tại Điều 6, Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên.”