Thứ Sáu (19/04/2024)

Ví dụ về L/C có thể sửa đổi hợp đồng?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Hợp đồng được ký giữa bị đơn – người mua là Cty thương mại Tây Ninh (VN) và nguyên đơn – người bán là DN Ng Nam Bee (Singapore)

Hợp đồng được ký giữa bị đơn – người mua là Cty thương mại Tây Ninh (VN) và nguyên đơn – người bán là DN Ng Nam Bee (Singapore). Đối tượng hợp đồng là bột ngọt. Sau khi hết hạn L/C, người mua sửa đổi L/C ban đầu, theo đó kéo dài thời hạn giao hàng. Khi hết thời hạn giao hàng ban đầu, người bán đòi hủy hợp đồng, trong khi đó, người mua điều tàu đến nhận hàng. Tranh chấp được xét xử tại Toà phúc thẩm – tòa án tối cao TP HCM, tòa án đã áp dụng các điều 29, điều 53, điều 64.1 Công ước Vienna năm 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) để giải quyết tranh chấp.

Diễn biến tranh chấp

Do hạn chế về hạn ngạch, HTX tư nhân Tân Lộc đã ký hợp đồng uỷ thác với Cty Thương mại Tây Ninh (DN nhà nước – Tanico) để XK 300 tấn bột ngọt, trị giá 312.000 USD theo điều kiện FOB Quy Nhơn cho đối tác Singapore là Ng Nam Bee.

Ngày 25/1/1995, Tanico đã ký hợp đồng mua bán với Ng Nam Bee. Theo đó thanh toán được thực hiện bằng thư tín dụng không hủy ngang, với điều kiện đỏ (bên mua ứng trước 50%); thời gian giao hàng là bất kì lúc nào cho đến 28/2/1995. Ngày 5/1/1995, Ng Nam Bee phát hành một L/C không huỷ ngang, điều kiện đỏ, có hiệu lực đến ngày 15/3/1995. Ngày 21/1/1995: điều kiện đỏ được thực hiện – bên mua ứng 156.000 USD cho bên bán. Ngày 28/2/1995, ngày cuối cùng của thời hạn thực hiện hợp đồng, Ng Nam Bee đã gửi bản sửa đổi L/C, theo đó giá trị của L/C được kéo dài đến 4/4/1995. Trong L/C phía Singapore cũng hoãn ngày giao hàng đến 20/3. Ngày 1/3/1995, ngân hàng tại VN nhận được bản L/C sửa đổi và gửi tới cho Tanico ngày 2/3/1995. Ngày 8/3/1995, Tanico gửi cho Tân Lộc.

Tân Lộc sau khi chờ đợi đến ngày 4/3 mà không thấy bên người mua nước ngoài nhận hàng thì đã coi hợp đồng bị huỷ bỏ và đã gửi trả lại khoản tiền ứng trước cho Tanico để Tanico gửi trả người mua. Ngày 9/3/1995, khi nhận được bản bổ sung L/C, Tân Lộc tuyên bố chấm dứt hợp đồng với lý do là phía người mua đã vi phạm thời gian nhận hàng.

Ngày 10/3/1995, Ng Nam Bee gửi 2 bản sao xác nhận về việc tàu Hei Hu Quan sẽ đến cảng Quy Nhơn vào đêm 11/3. Ngày 13/3/1995, tàu đến cảng Quy Nhơn mà không được giao hàng.

Ng Nam Bee phát đơn kiện Tanico đòi bồi thường, và cho rằng trong L/C đầu tiên có điều khoản cho phép người phát hành có quyền thay đổi thời hạn giao hàng.

Quyết định của toà án

Hợp đồng quy định cụ thể không cho phép các bên được sử dụng những chứng cứ ngoài hợp đồng. Trong khi đó, bên mua lại căn cứ theo quy định của L/C để thay đổi thời hạn giao hàng của hợp đồng; mà L/C chỉ đơn thuần công cụ thanh toán. Có thể thấy, rõ ràng bên mua vi phạm điều khoản về việc sử dụng các chứng cứ ngoài hợp đồng của hợp đồng mua bán.

Mặt khác, theo UCP 500 thì thấy rằng, theo quy tắc 9 khoản D điểm I đối với một L/C không huỷ ngang, người phát hành không được phép thay đổi nội dung trừ khi có sự đồng ý của ngân hàng phát hành, ngân hàng chấp nhận, người bán. Trong trường hợp này, không có một hành động nào của người bán thể hiện rằng anh ta chấp nhận sự sửa đổi này của người mua.

Theo điều 29 của CISG, một hợp đồng có thể được sửa đổi hay chấm dứt bằng thoả thuận đơn thuần giữa các bên. Phân tích các tình tiết thì rõ ràng chưa hề có sự thoả thuận nào giữa hai bên.

Tham chiếu đến điều 53 CISG ta thấy rằng, người mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng và nhận hàng theo quy định của hợp đồng nhưng ở đây sau 4 ngày của thời hạn cuối cùng vẫn chưa thấy người mua đến nhận hàng. Theo điều 64 khoản 1 CISG khi người mua không thi hành nghĩa vụ nào đó trong thời gian đã gia hạn thêm, người bán mới có quyền tuyên bố huỷ hợp đồng. Về mặt lý thuyết, 4 ngày không được coi là đã gia hạn thời gian thực hiện nghĩa vụ, nhưng đối tượng của hợp đồng mua bán này – bột ngọt- lại là mặt hàng rất dễ hư hỏng, thì huỷ hợp đồng là hợp lý. Tòa án đã tuyên bố người bán có quyền hủy hợp đồng và người mua phải chịu trách nhiệm về việc đã không điều tàu đến cảng nhận hàng đúng thời hạn.

Bình luận và lưu ý

Hợp đồng là văn bản có giá trị hiệu lực cao nhất ràng buộc hai bên mua bán, nếu muốn sửa đổi hợp đồng thì cần có sự thống nhất, thỏa thuận của cả hai bên.  Cần chú ý là các chứng cứ ngoài hợp đồng như L/C không thể có giá trị ràng buộc bằng hợp đồng.

Huỷ hợp đồng là chế tài nặng nhất khi xử lý vi phạm liên quan đến hợp đồngg. Theo CISG, người bán chỉ có thể hủy hợp đồng khi người mua không nhận hàng trong thời hạn đã được gia hạn thêm hoặc khi người mua vi phạm cơ bản hợp đồng (điều 25 CISG). Tuy nhiên, nếu đối tượng hợp đồng là hàng hóa mau hỏng thì việc áp dụng chế tài huỷ hợp đồng trên thực tế có thể linh hoạt hơn nhằm hạn chế tổn thất cho các bên. Ở đây, tòa án VN cho rằng bột ngọt là hàng hóa mau hỏng nên người bán có thể hủy hợp đồng ngay mà không cần gia hạn thêm. Quyết định này của tòa án VN là phù hợp.

Tuy nhiên, Tanico nhận được bản L/C sửa đổi ngày 2/3, nhưng ngày 9/3, Tân Lộc mới nhận được bản L/C sửa đổi này. Hơn nữa, khi quyết định huỷ hợp đồng thì đáng lẽ ra người bán VN cần thông báo bằng văn bản, tránh việc họ vẫn tiếp tục điều tàu đến cảng Quy Nhơn, tức là tránh thiệt hại cho người mua. Đáng tiếc là tòa án đã không đề cập vấn đề này.

Đây là trường hợp đầu tiên ghi nhận việc tòa án VN áp dụng CISG. Trên thực tế, trong tranh chấp này, luật áp dụng là luật VN (cụ thể là Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989) và tòa án đã áp dụng CISG như một nguồn luật bổ sung để làm rõ thêm lập luận của mình.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan