Thứ Tư (24/04/2024)

Phân biệt website TMĐT bán hàng với website cung cấp dịch vụ TMĐT

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Thế nào là website thương mại điện tử bán hàng? Định nghĩa website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử? Phân biệt website thương mại điện tử bán hàng với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử?

Website thương mại điện tử bán hàng với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử thường được gọi tắt là trang bán hàng và trang thương mại điện tử. Điểm đặc biệt của những trang bán hàng điện tử này là mua bán thực hiện trực tuyến, không cần phải ra cửa hàng, hàng hóa sau đó sẽ được gửi mà địa chỉ người mua yêu cầu, mọi giao dịch thanh toán đều thực hiện online. Tuy nhiên, giữa website thương mại điện tử bán hàng với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử vẫn tồn tại nhưng khác biệt. Cụ thể:

Về mặt định nghĩa

Website thương mại điện tử bán hàng được quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau: “Website thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình”.

Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định tại khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau: sàn giao dịch thương mại điện tử; website đấu giá trực tuyến; website khuyến mại trực tuyến; các loại website khác do Bộ Công Thương quy định. Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử được hiểu là website thương mại điện tử cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đ; website khuyến mại trực tuyến là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để thực hiện khuyến mại cho hàng hóa, dịch vụ của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác theo các điều khoản của hợp đồng dịch vụ khuyến mại; website đấu giá trực tuyến là website thương mại điện tử cung cấp giải pháp cho phép thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải chủ sở hữu website có thể tổ chức đấu giá cho hàng hóa của mình trên đó.

Về mặt bản chất

Từ quy định về website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cho thấy, website thương mại điện tử bán hàng là website do thương nhân tự lập ra để buôn bán, giao dịch hàng hóa, dịch vụ do chính thương nhân đó tạo ra. Còn website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử do một thương nhân lập ra, cung cấp môi trường cho thương nhân khác thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ.

Có thể hiểu đơn giản, website thương mại điện tử bán hàng là thương nhân tự buôn bán tại cửa hàng của mình. Còn website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là thương nhân bán hàng tại một địa điểm tập trung với thương nhân thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là người quản lý.

Về mặt mục đích

Là tiêu chí phái sinh từ sự khác biệt giữa website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, mục đích của việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là nhằm cung cấp hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng cho chính hàng hóa, dịch vụ của mình. Việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng sẽ phát sinh ra 02 loại website: website thương mại điện tử bán hàng có dịch vụ đặt hàng, thanh toán và website thương mại điện tử không bao gồm dịch vụ đặt hàng, thanh toán. Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, một website thương mại điện tử bán hàng được định nghĩa là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình nhằm cung ứng một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán, cung ứng hàng hóa dịch vụ từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng. Theo quy định này, website thương mại điện tử bán hàng bất kể có bao gồm dịch vụ giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng hay không đều phải thông báo với Bộ Công thương. Tuy nhiên, trên thực tế, các website thương mại điện tử bán hàng chỉ nhằm mục đích trưng bày hàng hóa không phát sinh nghĩa vụ phải thông báo với Bộ Công thương.

Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, mục đích của website nhằm cung cấp môi trường cho các thương nhân khác thực hiện hoạt động mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Chính vì vậy, một website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử yêu cầu toàn bộ quá trình mua bán, cung ứng hàng hóa, dịch vụ đều phải thực hiện trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử từ trưng bày giới thiệu hàng hóa, dịch vụ đến giao kết hợp đồng, cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.

Về mặt quản lý Nhà nước

Căn cứ theo quy định tại Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP:

Điều 52. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
1. Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
2. Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
3. Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.

Từ quy định trên, điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng bao gồm:
– Là thương nhân, tổ chức, cá nhân được thành lập theo quy định của pháp luật, đã được cấp mã số thuế.
– Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên internet.
– Đã thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.

Hay nói cách khác, việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng gắn liền với việc thông báo website thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công thương. Bản chất của việc thông báo là thương nhân thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tự cam kết với Bộ Công thương, việc hoạt động của website chỉ cần Bộ Công thương biết, không cần trải qua kiểm tra hay thẩm định của Bộ Công thương.

Còn đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định tại Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Cụ thể:

Điều 54. Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2, 3 và 4 Chương III Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
1. Là thương nhân, tổ chức có ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng, nhiệm vụ phù hợp.
2. Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
3. Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
a) Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến.
b) Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ.
c) Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
4. Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.

Từ quy định trên cho thấy, việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử đi kèm với việc đăng ký thiết lập website với Bộ Công thương. Bản chất việc đăng ký sẽ có quy định chặt chẽ hơn so với việc thông báo thiết lập website khi phải vượt qua thẩm định của Bộ Công thương.

Về mặt chủ thể có quyền thiết lập website

Cũng từ quy định tại Điều 52 và Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, chủ thể có quyền thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là thương nhân, tổ chức, cá nhân. Trong khi đó, chủ thể có quyền thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử chỉ có thương nhân và tổ chức. Điều này được thể hiện thông qua quy định tại Điều 52 và Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP như sau:

Điều 52. Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Các thương nhân, tổ chức, cá nhân được thiết lập website thương mại điện tử bán hàng nếu đáp ứng các điều kiện sau:
…”

Điều 54. Điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Thương nhân, tổ chức được thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy định tại Mục 2, 3 và 4 Chương III Nghị định này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

Về mặt điều kiện thiết lập website

Điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử được quy định lần lượt tại Điều 52 và Điều 54 ghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP. Trong đó, điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là:
– Là thương nhân, tổ chức, cá nhân đã được cấp mã số thuế.
– Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên internet.
– Đã thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.

Còn điều kiện thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là:
– Là thương nhân, tổ chức có ngành nghề kinh doanh hoặc chức năng, nhiệm vụ phù hợp.
– Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
– Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
+ Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến.
+ Cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ.
+ Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
– Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.

Từ 02 điều kiện thiết lập website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử trên, có thể thấy điều kiện thiết lập 02 loại website này có sự khác biệt như sau:
– Thứ nhất, chỉ cần là chủ thể đã có mã số thuế đều có thể thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. Quy định này mở rộng việc thiết lập website cho tất cả những tổ chức, cá thể kinh doanh trong cả nước như: cá nhân, tổ chức, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp đều có thể thiết lập website thương mại điện tử bán hàng. Trong khi đó, chủ thể thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bán hàng bắt buộc phải có đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh phù hợp.
– Thứ hai, website thương mại điện tử bán hàng chỉ cần thông báo với Bộ Công thương, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải đăng ký với Bộ Công thương.
– Thứ ba, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần có đề án cung cấp dịch vụ.

Về mặt thủ tục

Đối với website thương mại điện tử bán hàng, thủ tục thông báo với Bộ Công thương bắt đầu với việc thương nhân tiến hành truy cập vào website: http://online.gov.vn/ và thực hiện các bước sau:
Bước 1: Truy cập vào trang web, bấm nút đăng ký để tiến hành đăng ký tài khoản.
Bước 2: Chọn đối tượng để tiến hành khai thông tin. Hệ thống hiện ra 03 đối tượng: thương nhân, tổ chức và cá nhân. Điền đầy đủ thông tin có dấu *.
Bước 3: Nhận kết quả phản hồi về việc đăng ký email. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký, bạn sẽ nhận được email xác nhận về việc đăng ký.
Bước 4: Tiến hành đăng nhập vào hệ thống. Điền mã số thuế, mật khẩu, chọn đăng nhập.
Bước 5: Tiến hành thông báo website. Vào menu, chọn “Thông báo website bán hàng”, chọn “Thêm mới thông tin website”.
Bước 6: Nhập thông tin về website, người chịu trách nhiệm và tài liệu đính kèm là bản scan giấy tờ pháp lý cá nhân đối với cá nhân; bản scan quyết định thành lập với tổ chức; bản scan Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với thương nhân.
Bước 7: Nhấn vào “Gửi hồ sơ”.
Bước 8: Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày gửi hồ sơ, thương nhân sẽ nhận được thông báo về việc bổ sung hồ sơ/hồ sơ đã hợp lệ. Trường hợp hồ sơ đã hợp lệ, thương nhân sẽ nhận được một đoạn mã để gắn lên website. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, thương nhân có 10 ngày để bổ sung hồ sơ.

Còn đối với thủ tục đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, thủ tục đăng ký website với Bộ Công thương diễn ra như sau:

– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP bao gồm:
+ Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).
+ Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định này.
+ Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
+ Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có.
+ Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.
– Bước 2: Đăng ký thông tin website trực tuyến qua website: http://online.gov.vn/

  • Tiến hành đăng nhập hệ thống.
  • Tiến hành đăng ký website, trong phần menu chọn, “Đăng ký thông tin website”, chọn “Thêm mới đăng ký website”.
  • Nhập thông tin về website, người chịu trách nhiệm và tài liệu đính kèm. Chọn mục file đính kèm, chọn tài liệu đính kèm, chọn “Tải lên” để tải tài liệu đính kèm lên website.
  • Chọn “Gửi hồ sơ” để hoàn thành đăng ký.

– Bước 3: Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày gửi hồ sơ, thương nhân có thông báo phản hồi về hồ sơ đăng ký. Sau khi hồ sơ có thông báo hợp lệ, thương nhân tiến hành nộp hồ sơ cứng về Bộ Công thương.

– Bước 4: Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ bản cứng, thương nhân sẽ nhận đực một đoạn mã để gắn lên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Về mặt nghĩa vụ đối với chủ thể thiết lập website

Đối với website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ phát sinh nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công thương. Nghĩa vụ báo cáo được quy định tại Điều 57 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, hướng dẫn chi tiết tại Điều 20 Thông tư 47/2014/TT-BCT và được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 01/2022/TT-BCT.

Điều 20. Nghĩa vụ báo cáo định kỳ của thương nhân, tổ chức đã đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
1. Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó.
2. Thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó bằng phương thức trực tuyến thông qua Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử hoặc dưới hình thức văn bản qua đường bưu điện.
3. Để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước hoặc làm rõ thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điều 32 Thông tư này, thương nhân, tổ chức thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử có nghĩa vụ giải trình và cung cấp thông tin về các hoạt động trên website của mình khi được Bộ Công Thương yêu cầu.

Hay nói cách khác, thương nhân thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần thực hiện nghĩa vụ báo cáo với Bộ Công thương. Cụ thể:
– Thời hạn báo cáo: trước ngày 15/01 hàng năm.
– Nội dung báo cáo:
+ Số liệu thống kê tình hình hoạt động của năm trước đó.
+ Biên bản giải trình và cung cấp thông tin về hoạt động của website (nếu được Bộ Công thương yêu cầu).
– Phương thức báo cáo:
+ Báo cáo trực tuyến qua website:
+ Báo cáo bằng văn bản nộp qua đường bưu điện.

Để khái quát về sự khác biệt giữa website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, mời các bạn tham khảo bảng phân biệt dưới đây:

Website TMĐT bán hàngWebsite cung cấp dịch vụ TMĐT
Căn cứ pháp lýKhoản 1 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP.Khoản 2 Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Định nghĩaWebsite thương mại điện tử bán hàng là website thương mại điện tử do các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình.Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử là website thương mại điện tử do thương nhân, tổ chức thiết lập để cung cấp môi trường cho các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động thương mại. 
Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại sau:
– Sàn giao dịch thương mại điện tử.
– Website đấu giá trực tuyến.
– Website khuyến mại trực tuyến.
– Các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
Mục đíchCung cấp hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ cho mình.Cung cấp môi trường cho các thương nhân khác tiến hành hoạt động thương mại, bán hàng, cung ứng dịch vụ.
Quản lý nhà nước đối với websitePhải thông báo với Bộ Công thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.Phải đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với Bộ Công thương và được Bộ Công thương chấp thuận.
Chủ thể có quyền thiết lập websiteThương nhân, tổ chức cá nhân.Thương nhân, tổ chức.
Điều kiện thiết lập website– Là thương nhân, tổ chức hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
– Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng.
– Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật.
– Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
+ Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa.
+ Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
– Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký.
Hồ sơ thông báo/đăng ký websiteKhông yêu cầu hồ sơ. Chỉ cần tài liệu đính kém là bản scan giấy tờ pháp lý cá nhân đối với cá nhân; bản scan quyết định thành lập với tổ chức; bản scan Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với thương nhân. Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu quyết định thành lập (đối với tổ chức); bản sao điện tử từ sổ gốc hoặc chứng thực bản sao điện tử từ bản chính; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp (đối với thương nhân), giấy phép kinh doanh (đối với nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài).
+ Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định này.
+ Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.
+ Mẫu hợp đồng cung cấp dịch vụ, các điều kiện giao dịch chung, nếu có.
+ Các tài liệu khác do Bộ Công Thương quy định.
Thủ tục thông báo/đăng ký website– Chỉ cần thông báo trực tuyến với Bộ Công thương.– Phải đăng ký trực tuyến với Bộ Công thương.
– Hồ sơ sau khi hợp lệ cần gửi thêm một bản cứng đến Bộ Công thương.
Nghĩa vụ đối với chủ thể thiết lập websiteKhông phát sinh nghĩa vụ.Trước ngày 15 tháng 01 hàng năm, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phải báo cáo Bộ Công Thương số liệu thống kê về tình hình hoạt động của năm trước đó theo quy định.
Doanh nghiệp nên chọn thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hay website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử?

Việc lựa chọn thiết lập website thương mại điện tử bán hàng hay website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử phụ thuộc vào mục đích của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chỉ muốn phát triển thương mại, phục vụ marketing cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của mình, doanh nghiệp nên chọn website thương mại điện tử bán hàng và sử dụng thêm một trang thương mại điện tử trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Do đặc điểm website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ có nhiều mặt hàng, tập trung nhiều người có nhu cầu muốn mua hàng nên sẽ dễ tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Sau khi tiếp cận được với khách hàng và có nguồn khách hàng cố định, khách hàng sẽ tự tìm kiếm đến website thương mại điện tử bán hàng của doanh nghiệp để tiếp cận với nguồn hàng chính hãng.

Chi phí thiết lập website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử như thế nào?

Chi phí thiết lập website thương mại điện tử bán hàng giống với chi phí thiết lập một website, theo giá thành hiện tại rơi vào khoản 5.000.000 – 10.000.000 đồng đối với website thông thường, từ 15.000.000 – 20.000.000 đối với wesite có yêu cầu đặc biệt. Còn website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử yêu cầu việc nâng cấp và phát triển liên tục, nên không có định giá cụ thể với việc thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử. Tuy nhiên, xét về mặt thương mại, website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử khi tiếp cận được với nhiều người sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn so với chi phí bỏ ra thiết lập website.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan