Thứ sáu (04/10/2024)

Giấy phép nhập khẩu flycam, drone

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Drone, Flycam nhập khẩu cần điều kiện gì? Giấy phép nhập khẩu Flycam, Drone như thế nào? Hướng dẫn thủ tục nhập khảu Flycam, Drone

Flycam, drone là loại tàu bay không người lái dùng để quay phim, chụp ảnh từ trên cao, chúng được gắn camera và có thiết bị điều khiển. Hiện nay đã có rất hiều flycam, drone được nhập khẩu vào Việt Nam với mục đích vui chơi hoặc mục đích sản xuất, kinh doanh. Vậy thủ tục nhập khẩu flycam, drone như thế nào?

Tàu bay không người lái là gì?

Theo quy định tại điều 3 nghị định 36/2008/NĐ-CP quy định về tàu bay không người lái như sau

Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Tàu bay không người lái là thiết bị bay mà việc điều khiển, duy trì hoạt động của chuyến bay không cần có sự tham gia điều khiển trực tiếp của phi công, tổ lái trên thiết bị bay đó.
2. Phương tiện bay siêu nhẹ, bao gồm các loại khí cầu và mô hình bay.
a) Khí cầu là khí cụ bay mà lực nâng được tạo bởi những chất khí chứa trong vỏ bọc của nó, chất khí này có khối lượng riêng nhỏ hơn không khí. Có hai loại khí cầu:
– Khí cầu bay có người điều khiển;
– Khí cầu bay không người điều khiển, bao gồm cả khí cầu bay tự do hoặc được điều khiển tự động hoặc được giữ buộc cố định tại một vị trí trên mặt đất.
b) Mô hình bay, bao gồm:
– Các loại tàu lượn được mô phỏng theo hình dáng, kiểu cách các loại máy bay, được gắn động cơ sử dụng nguồn năng lượng bằng pin hoặc nhiên liệu lỏng, rắn hoặc năng lượng mặt trời, được điều khiển bằng vô tuyến hoặc chương trình lập sẵn;
– Các loại dù bay và diều bay có hoặc không có người điều khiển, trừ các loại diều bay dân gian.
3. Phép bay là văn bản hoặc hiệu lệnh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, xác định điều kiện và giới hạn được phép hoạt động của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.

Giấy phép nhập khẩu flycam, drone

Theo quy định tại điều 4 nghị định 36/2008/NĐ-CP trước khi tiến hành nhập khẩu tàu bay không người lái phải xin ý kiến của Bộ Quốc Phòng và Bộ Công an

Điều 4. Nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh tàu bay không người lái và các loại phương tiện bay siêu nhẹ
1. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho các tổ chức, cá nhân nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ chỉ được cấp phép sau khi đã có ý kiến thống nhất của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
2. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhập khẩu, xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, thực hiện thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, kinh doanh các loại tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ phải có công văn đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chấp thuận trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Theo quy định trên, có thể thấy việc xin cấp phép nhập khẩu flycam, drone gồm hai bước:

Bước 1: Xin ý kiến Bộ quốc phòng

Hồ sơ gồm:
– Công văn xin phép nhập khẩu;
– Ảnh chụp thiết bị (18×24);
– Bản thuyết minh thông số kĩ thuật của thiết bị;
– Giấy tờ pháp lý của cá nhân, tổ chức
– Các giấy tờ khác liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ thiết bị.             
Hồ sơ được gửi theo đường Bưu Điện về Số 1, Nguyễn Tri Phương, Phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.

Thời gian thực hiện: 10 – 15 ngày làm việc

Bước 2: Chấp thuận nhập khẩu tại Bộ Công Thương

Theo quy định tại điều 8, điều 9 nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định như sau:

Điều 8. Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng
4. Việc nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định này nhưng không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Trong đó tại Phụ lục IV của nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định danh mục hàng hóa ảnh hưởng quốc phòng an ninh gồm: “Phương tiện bay khác (ví dụ, trực thăng, máy bay); tàu vũ trụ (kể cả vệ tinh) và tầu bay trong quỹ đạo và phương tiện đẩy để phóng tàu vũ trụ (Chỉ áp dụng với loại máy bay, trực thăng không sử dụng trong hàng không dân dụng không có gắn trang thiết bị-vũ khí để chiến đấu).”

Hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu drone theo quy định tại điều 9 như sau:

Điều 9. Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu
Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Khoản 3 Điều 7, Khoản 4 Điều 8 Nghị định này và Khoản 1 Điều 14 Luật Quản lý ngoại thương thực hiện như sau:
1. Hồ sơ cấp giấy phép gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 1 bản chính.
b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.
c) Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Quy trình cấp giấy phép thực hiện như sau:
a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.
b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.
c) Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.
d) Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.
đ) Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc sau:
– Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
– Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.
– Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.
3. Bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ quy định tại Nghị định và quy định pháp luật có liên quan ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định chi tiết về hồ sơ cấp giấy phép và công bố cơ quan, tổ chức, địa chỉ tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép của thương nhân.

Cơ quan giải quyết: Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu), địa chỉ: 54 Hai Bà Trưng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trong chỉ đạo mới đây, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị hải quan trực thuộc căn cứ quy định tại Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28/3/2008 của Chính phủ về quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương và Thông tư số 02/2022/TT-BTTT ngày 16/5/2022 ngày 16/5/2022 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin Truyền thông để giải quyết thủ tục nhập khẩu mặt hàng Flycam theo đúng quy định.

Theo đó, khi đăng ký tờ khai nhập khẩu, người khai hải quan phải có giấy phép nhập khẩu do cơ quan có thẩm quyền cấp trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và khai số giấy phép vào ô Giấy phép nhập khẩu trên tờ khai hải quan nhập khẩu.

Đồng thời, khi làm thủ tục hải quan, người khai hải quan phải nộp bản đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.

Về phân loại hàng hóa và áp dụng chính sách thuế, Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị thống nhất phân loại và áp dụng chính sách thuế đối với mặt hàng Flycam theo hướng dẫn tại công văn 3831/TCHQ-XNK ngày 15/9/2022 của Tổng cục Hải quan. Các đơn vị hải quan địa phương tiến hành rà soát toàn bộ các trường hợp đã nhập khẩu mặt hàng Flycam và xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Hiện tại, theo công văn 4213/BQP-TM ngày 11/11/2020 chỉ cấp phép với trường hợp phục vụ sản xuất nông nghiệp, không kinh doanh chuyển giao cho tới khi nghị định thay thế nghị định 36/2008/NĐ-CP được ban hành.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan