Thứ Sáu (29/03/2024)

Soạn thảo bản mô tả sáng chế

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Bản mô tả sáng chế gồm những nội dung gì? Hướng dẫn soạn thảo bản mô tả sáng chế. Nội dung bản mô tả sáng chế?

Nội dung bản mô tả sáng chế

Bản mô tả sáng chế là một trong những tài liệu bắt buộc khi nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Theo đó, nội dung bản mô tả sáng chế được quy định tại mục 23.6 thông tư 01/2007/TT-BKHCN (hợp nhất) như sau:

23.6 Yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế
Người nộp đơn phải nộp 02 bản mô tả sáng chế. Bản mô tả sáng chế phải bao gồm phần mô tả sáng chế và phạm vi bảo hộ sáng chế. Bản mô tả sáng chế có thể bao gồm bản vẽ (nếu cần) để minh họa sáng chế.
a) Phần mô tả thuộc bản mô tả sáng chế phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được yêu cầu bảo hộ. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền sáng chế); làm rõ tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền giải pháp hữu ích).
Người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng được hiểu là người có các kỹ năng thực hành kỹ thuật thông thường và biết rõ các kiến thức chung phổ biến trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
b) Phần mô tả phải bao gồm các nội dung được thể hiện theo trình tự sau đây:
(i) Tên sáng chế: thể hiện vắn tắt đối tượng hoặc các đối tượng cần bảo hộ (sau đây gọi là “đối tượng”); tên sáng chế phải ngắn gọn, chính xác và không được mang tính khuếch trương hoặc quảng cáo;
(ii) Lĩnh vực sử dụng sáng chế: lĩnh vực trong đó đối tượng được sử dụng hoặc liên quan. Nếu sáng chế được sử dụng hoặc có liên quan tới nhiều lĩnh vực thì phải chỉ ra tất cả các lĩnh vực đó. Các lĩnh vực nêu trên phải phù hợp với kết quả phân loại sáng chế;
(iii) Tình trạng kỹ thuật của sáng chế: tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực sử dụng sáng chế tại thời điểm nộp đơn (các đối tượng tương tự đã biết (nếu có)). Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật của sáng chế thì phải ghi rõ điều này;
(iv) Mục đích của sáng chế: cần chỉ rõ mục đích mà sáng chế cần đạt được hoặc nhiệm vụ (vấn đề) mà sáng chế cần giải quyết (ví dụ nhằm khắc phục nhược điểm, hạn chế của giải pháp kỹ thuật đã được chỉ ra trong phần Tình trạng kỹ thuật của sáng chế). Mục đích hoặc nhiệm vụ của sáng chế phải được trình bày một cách khách quan, cụ thể, không mang tính khuếch trương, quảng cáo;
(v) Bản chất kỹ thuật của sáng chế: bản chất của đối tượng cần bảo hộ, trong đó phải nêu rõ:
– Vấn đề kỹ thuật cần giải quyết (mục đích của sáng chế);
– Các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật tạo nên đối tượng yêu cầu bảo hộ, tức là các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật cấu thành giải pháp nhằm đạt được mục đích của sáng chế (gọi là dấu hiệu kỹ thuật cơ bản); và phải chỉ ra các dấu hiệu (đặc điểm) kỹ thuật mới so với các giải pháp kỹ thuật tương tự đã biết;
– Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được so với tình trạng kỹ thuật (nếu có). Nội dung này có thể mô tả thành một phần riêng, như quy định tại điểm 23.6.b (ix) dưới đây.
(vi) Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);
(vii) Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế: mô tả chi tiết một hoặc một số phương án thực hiện sáng chế sao cho người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế;
(viii) Ví dụ thực hiện sáng chế (nếu có): cần chỉ ra được một hoặc một số phương án thực hiện sáng chế cụ thể. Nếu sáng chế được đặc trưng bởi các dấu hiệu định lượng thì phải chỉ ra trị số cụ thể của dấu hiệu đó, nếu không định lượng được thì phải chỉ ra được trạng thái xác định của dấu hiệu đó. Ngoài ra, cần có các kết quả cụ thể liên quan đến chức năng, mục đích mà đối tượng tương ứng cho phép đạt được;
(ix) Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được (nếu có và nếu chưa nêu trong phần bản chất kỹ thuật của sáng chế): có thể được thể hiện dưới dạng nâng cao năng suất, chất lượng, độ chính xác hay hiệu quả; tiết kiệm năng lượng tiêu thụ, nguyên liệu; đơn giản hóa hay tạo ra sự thuận tiện khi xử lý, vận hành, quản lý hay sử dụng; khắc phục sự ô nhiễm của môi trường… Nếu lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được viện dẫn đến những kết quả thống kê từ các dữ liệu thực nghiệm, người nộp đơn phải cung cấp những điều kiện và các phương pháp thực nghiệm cần thiết đó.

Tóm lại bản mô tả phải gồm các nội dung sau:

1. Tên sáng chế
– Được trình bày ở dòng đầu tiên của trang 1
– Thể hiện vắn tắt đối tượng hoặc các đối tượng được đăng ký;
– Tên sáng chế phải ngắn gọn và không được mang tính khuếch trương hoặc quảng cáo;
– Không được lấy tên thương mại của sản phẩm hoặc các ký hiệu riêng, chữ viết tắt đặt tên cho sáng chế.
Ví dụ:
– Bộ dung cụ đa năng NQ-01 (Ký hiệu riêng)
– Thiết bị kết nối Internet tốc độ cực cao (khuếch trương)
– Giải pháp mã hóa video 3D có phụ đề (Chưa thể hiện dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình)

2. Lĩnh vực kỹ thuật được đề cập
Chỉ ra lĩnh vực kỹ thuật trong đó sáng chế được sử dụng hoặc có liên quan. Ví dụ: Sáng chế đề cập đến đồ dùng văn phòng, và cu thể hơn là đề cập đến bút xóa băng.

3. Tình trạng kỹ thuật của sáng chế
– Cần nêu rõ Tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực nói trên tại thời điểm nộp đơn
– Nêu và phân tích một hoặc một số giải pháp kỹ thuật có bản chất hoặc có liên quan về mặt kỹ thuật gần nhất với sáng chế (nếu có) và chỉ ra các vấn đề còn tồn tại (nhược điểm, hạn chế) cần giải quyết
– Giải quyết vấn đề còn tồn tại này chính là mục đích hay hiệu quả kỹ thuật cần đạt được của sáng chế
– Nếu không có thông tin về tình trạng kỹ thuật liên quan thì ghi không biết

4. Bản chất kỹ thuật của sáng chế
– Được mở đầu bằng đoạn trình bày mục đích mà sáng chế cần đạt được hoặc nhiệm vụ (vấn đề) mà sáng chế cần giải quyết
– Mô tả đầy đủ các dấu hiệu hiệu kỹ thuật cơ bản. Dấu hiệu kỹ thuật cơ bản là tất cả các dấu hiệu kỹ thuật có ảnh hưởng đến bản chất của giải pháp kỹ thuật, tức là các dấu hiệu mà nếu thiếu chúng sẽ không đủ để tạo thành giải pháp kỹ thuật và không đạt được mục đích đề ra

5. Mô tả vắn tắt các hình vẽ (nếu có)
– Nếu bản mô tả có hình vẽ minh hoạ để làm rõ bản chất của sáng chế thì phải có danh mục các hình vẽ và giải thích ngăn gọn mỗi hình vẽ đó theo cách bao gồm mô tả loại hình vẽ kỹ thuật và tên của đối tượng được thể hiện trên hình vẽ đó.
Ví dụ:
Mô tả vắn tắt các hình vẽ
FIG. 1 là hình phối cảnh thể hiện miệng phả gió;
FIG. 2 là hình phối cảnh thể hiện quạt điện không cánh theo sáng chế.

6. Mô tả chi tiết sáng chế
– Mô tả một cách chi tiết (các) phương án thực hiện, sao cho người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹthuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế và đạt được các mục đích đề ra.
– Thường được mô tả có dựa vào các hình vẽ kèm theo dùng các số chỉ dẫn để biểu thị các thành phần
– Nội dung kỹ thuật trong phần này có thể được sử dụng để sứa đoi bổ sung vào yêu cầu bảo hộ khi yêu cầu bảo hộ không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ

7. Ví dụ thực hiện sáng chế
– Chứng minh khả năng áp dụng sáng chế nêu trong đơn và khả năng đạt được mục đích đặt ra cho sáng
chế.
– Cần thiết đối với các sáng chế dạng quy trình hoặc dạng chất trong đó đề cập đến các điều kiện kỹ
thuật cụ thể’ (nhiệt độ, áp suất, thời gian, chất xúc tác, v.v.) để thực hiện quy trình hoặc để tạo ra chất
đó.
– Mô tả một cách rõ ràng về một hoặc một số ví dụ cụ thể, trong đó các thông số thường là giá trị chính
xác, và có thể đưa ra sự so sánh về kết quả đạt được (nếu có)

8. Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được
– Trình bày khách quan các hiệu quả kỹ thuật đạt được (trực tiếp thu được từ dấu hiệu kỹ thuật tạo nên sáng chế), thường là khác biệt so với các giải pháp đã biết.
– Hiệu quả kỹ thuật khác biệt là cơ sở quan trọng để đánh giá “trình độ sáng tạo”

Về yêu cầu bảo hộ

Yêu cầu bảo hộ là một trong những nội dung cực quan trong trong bản mô tả sáng chế và được quy định tại điểm 23.6c thông tư 01/2007/TT-BKHCN

23.6 Yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế
c) Phạm vi bảo hộ sáng chế (sau đây gọi là “phạm vi bảo hộ” hoặc “yêu cầu bảo hộ”)
Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu bảo hộ (sau đây gọi là “đối tượng”) và phải phù hợp với các quy định sau đây:
(i) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng yêu cầu bảo hộ với đối tượng đã biết;
(ii) Các dấu hiệu kỹ thuật trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng, chính xác và được chấp nhận trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng; các thuật ngữ được sử dụng trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng và thống nhất với các thuật ngữ được sử dụng trong phần mô tả;
(iii) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ không được viện dẫn đến phần mô tả và hình vẽ, trừ trường hợp viện dẫn đến những phần không thể mô tả chính xác bằng lời, như trình tự nucleotit và trình tự axit amin, nhiễu xạ đồ, giản đồ trạng thái…;
(iv) Nếu đơn có hình vẽ minh họa yêu cầu bảo hộ thì dấu hiệu nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể kèm theo các số chỉ dẫn, nhưng phải đặt trong ngoặc đơn. Các số chỉ dẫn này không bị coi là làm giới hạn phạm vi (yêu cầu) bảo hộ;
(v) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nên (nhưng không bắt buộc) được thể hiện thành hai phần: “Phần giới hạn” và “Phần khác biệt”, trong đó: “Phần giới hạn” bao gồm tên đối tượng và những dấu hiệu của đối tượng đó trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết gần nhất và được nối với “Phần khác biệt” bởi cụm từ “khác biệt ở chỗ” hoặc “đặc trưng ở chỗ” hoặc các từ tương đương; “Phần khác biệt” bao gồm các dấu hiệu khác biệt của đối tượng so với đối tượng đã biết gần nhất và các dấu hiệu này kết hợp với các dấu hiệu của “Phần giới hạn” cấu thành đối tượng yêu cầu bảo hộ;
(vi) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể bao gồm một hoặc nhiều điểm. Trong đó phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nhiều điểm có thể được dùng để thể hiện một đối tượng cần bảo hộ, với điểm đầu tiên (gọi là điểm độc lập) và điểm (các điểm) tiếp theo dùng để cụ thể hóa điểm độc lập (gọi là điểm phụ thuộc); hoặc thể hiện một nhóm đối tượng yêu cầu được bảo hộ, với một số điểm độc lập, mỗi điểm độc lập thể hiện một đối tượng yêu cầu được bảo hộ trong nhóm đó, mỗi điểm độc lập này có thể có điểm (các điểm) phụ thuộc. Mỗi điểm yêu cầu bảo hộ chỉ được đề cập đến một đối tượng yêu cầu bảo hộ và phải được thể hiện bằng một câu duy nhất;
(vii) Các điểm của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được đánh số liên tiếp bằng chữ số Ả-rập, kết thúc bằng dấu chấm;
(viii) Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nhiều điểm dùng để thể hiện một nhóm đối tượng phải đáp ứng các yêu cầu: các điểm độc lập, thể hiện các đối tượng riêng biệt, không được viện dẫn đến các điểm khác của phạm vi (yêu cầu) bảo hộ, trừ trường hợp việc viện dẫn đó cho phép tránh được việc lặp lại hoàn toàn nội dung của điểm khác; các điểm phụ thuộc phải được thể hiện ngay sau điểm độc lập mà chúng phụ thuộc.

Ví dụ về viết yêu cầu bảo hộ

Cách 1:
1. Xe dành cho trẻ em bao gồm: khung xe; ba bánh xe được lắp quay được vào khung xe; trong đó ba bánh xe này không nằm trên một đường thẳng và một bánh được bố trí phía trước liên kết với tay cầm lái.
2. Xe dành cho trẻ em bao gồm: khung xe; ba bánh xe được lắp quay được vào khung xe; ít nhất hai yên xe; trong đó ba bánh xe này không nằm trên một đường thẳng và một bánh được bố trí phía trước liên kết với tay cầm lái.

Cách 2:
1. Xe dành cho trẻ em bao gồm: khung xe; ba bánh xe được lắp quay được vào khung xe; trong đó ba bánh xe này không nằm trên một đường thẳng và một bánh được bố trí phía trước liên kết với tay cầm lái.
2. Xe theo điểm 1, trong đó xe này còn bao gồm ít nhất hai yên xe.
3. Xe theo điểm 1 hoặc 2, trong đó bánh trước có đường kính lớn hơn ít nhất là hai lần bánh sau.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan