Điều kiện bán buôn thuốc lá
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Tư vấn thủ tục xin giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá. Điều kiện bán buôn sản phẩm thuốc lá theo quy định
Nội dung bài viết
Bán buôn thuốc lá là một trong các hoạt động kinh doanh mua bán thuốc lá mà thương nhân bán thuốc giá buôn cho các đơn vị có chức năng bán lẻ thuốc lá để đưa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Điều kiện kinh doanh bán buôn thuốc là là gì? Hãy tham khảo nội dung dưới đây.
Khái niệm về bán buôn thuốc lá
Theo Khoản 11 điều 3 nghị định 67/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi nghị định 106/2017/NĐ-CP quy định:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
11. “Thương nhân bán buôn sản phẩm thuốc lá” là thương nhân mua sản phẩm thuốc lá từ thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá và Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá để bán cho các thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá.
Đặc điểm của thương nhân bán buôn thuốc lá: Mua từ thương nhân phân phối và nhà cung cấp để bán cho các thương nhân bán lẻ thuốc lá
Xem thêm:
Điều kiện phân phối sản phẩm thuốc lá
Điều kiện kinh doanh bán lẻ thuốc lá
Điều kiện kinh doanh bán buôn thuốc lá
Thương nhân muốn kinh doanh bán buôn thuốc lá phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2 điều 26 nghị định 67/2013/NĐ-CP sửa đổi bởi nghị định 106/2017/NĐ-CP gồm:
– Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật
– Địa điểm kinh doanh không vi phạm quy định về địa điểm không được bán thuốc lá theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá năm 2012
– Có hệ thống bán buôn sản phẩm thuốc lá trên địa bàn tỉnh nơi thương nhân đặt trụ sở chính (tối thiểu phải từ 02 thương nhân bán lẻ sản phẩm thuốc lá trở lên)
– Có văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc của các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh
– Có bản cam kết của doanh nghiệp về bảo đảm tuân thủ đầy đủ các yêu cầu điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật
Hồ sơ xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh bán buôn thuốc lá
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá (Theo mẫu tại Phụ lục 21 Ban hành kèm theo Thông tư số 21/2013/TT-BCT)
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế
– Bản sao các văn bản giới thiệu của Nhà cung cấp sản phẩm thuốc lá hoặc các thương nhân phân phối sản phẩm thuốc lá ghi rõ địa bàn dự kiến kinh doanh
– Bảng kê danh sách thương nhân, bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận mã số thuế, Giấy phép kinh doanh sản phẩm thuốc lá (nếu đã kinh doanh) của các thương nhân đã hoặc sẽ thuộc hệ thống phân phối sản phẩm thuốc lá trên địa bàn
Trình tự xin giấy bán buôn sản phẩm thuốc lá
– Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Sở Công Thương
– Thời gian giải quyết thủ tục: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, thẩm định và cấp Giấy phép bán buôn sản phẩm thuốc lá cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, cơ quan cấp phép có văn bản yêu cầu thương nhân bổ sung hồ sơ.
– Lệ phí: 1.200.000 VNĐ (thông tư 168/2016/TT-BTC)
Các địa điểm không được cấp phép
Theo quy định tại luật phòng, chống tác hại thuốc lá 2012 quy định các trường hợp không được cấp phép bán lẻ thuốc là gồm một số trường hợp
Điều 25. Bán thuốc lá
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được tổ chức, cho phép hoặc bán thuốc lá tại các địa điểm quy định tại Điều 11, Điều 12, trừ điểm a khoản 1 Điều 12 của Luật này; không được bán thuốc lá phía ngoài cổng nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học, viện nghiên cứu y học, bệnh viện, nhà hộ sinh, trung tâm y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường, thị trấn trong phạm vi 100 mét (m) tính từ ranh giới khuôn viên gần nhất của cơ sở đó.
Điều 11. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và trong phạm vi khuôn viên bao gồm:
a) Cơ sở y tế;
b) Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em;
d) Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.
2. Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà bao gồm:
a) Nơi làm việc;
b) Trường cao đẳng, đại học, học viện;
c) Địa điểm công cộng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 1 Điều 12 của Luật này.
3. Phương tiện giao thông công cộng bị cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm ô tô, tàu bay, tàu điện.
Điều 12. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá
1. Địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá bao gồm:
a) Khu vực cách ly của sân bay;
b) Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch;
c) Phương tiện giao thông công cộng là tàu thủy, tàu hỏa.
2. Nơi dành riêng cho người hút thuốc lá phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a) Có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá;
b) Có dụng cụ chứa các mẩu, tàn thuốc lá; có biển báo tại các vị trí phù hợp, dễ quan sát;
c) Có thiết bị phòng cháy, chữa cháy.
3. Khuyến khích người đứng đầu địa điểm quy định tại khoản 1 Điều này tổ chức thực hiện việc không hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà.