Thứ Tư (24/04/2024)

Phê duyệt danh mục chuyên môn, kỹ thuật cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Thủ tục, hồ sơ phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật cơ sở khám chữa bệnh theo quy định tại thông tư 43/2013/TT-BYT

Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh

1. Ban hành kèm theo Thông tư này Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh (sau đây viết tắt là Danh mục kỹ thuật) bao gồm 28 chuyên khoa, chuyên ngành được kết cấu theo bảng sau đây:
a) Cột 1: Ghi số thứ tự từ 01 đến hết danh mục kỹ thuật.
b) Cột 2: Ghi tên các chuyên mục kỹ thuật, tên các kỹ thuật.
c) Cột 3: Phân tuyến kỹ thuật trong đó chia 4 cột nhỏ:
– Cột 3A: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 1.
– Cột 3B: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 2.
– Cột 3C: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 3.
– Cột 3D: Các kỹ thuật thực hiện tại tuyến 4.
2. Danh mục kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư này là kỹ thuật chuyên môn trong khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện tại Việt Nam. Một kỹ thuật có thể được nhiều chuyên khoa, chuyên ngành thực hiện, nhưng trong Thông tư này được sắp xếp ở chuyên khoa, chuyên ngành phù hợp nhất.
3. Danh mục kỹ thuật phân theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thể hiện mặt bằng kỹ thuật y tế ở mỗi tuyến chuyên môn kỹ thuật. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện được đa số kỹ thuật theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tương ứng.
4. Khuyến khích cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phát triển năng lực chuyên môn kỹ thuật, thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên hạn chế thực hiện các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới đã thực hiện được.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt danh mục chuyên môn kỹ thuật lần đầu

1. Công văn đề nghị.
2. Biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bao gồm:
a) Các kỹ thuật mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện; đang tổ chức triển khai thực hiện theo tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở mình;
b) Các kỹ thuật của tuyến trên mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang thực hiện; đang tổ chức triển khai thực hiện;
c) Hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị y tế; hiệu quả kinh tế – xã hội và phương án triển khai thực hiện kỹ thuật.
Bảng danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt phải được trình bày theo đúng kết cấu (viết đúng chuyên khoa, số thứ tự kỹ thuật, tên kỹ thuật) của Danh mục kỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này.

Hồ sơ đề nghị phê duyệt Danh mục kỹ thuật bổ sung

1. Công văn đề nghị.
2. Biên bản họp Hội đồng chuyên môn kỹ thuật theo quy định tại Điều 9 Thông tư này.
3. Danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bổ sung gồm:
a) Các kỹ thuật quy định cho tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần bổ sung;
b) Các kỹ thuật của tuyến trên cần bổ sung mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã có đủ điều kiện thực hiện được;
c) Hồ sơ mô tả năng lực của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về cơ sở vật chất, nhân lực, thiết bị y tế; hiệu quả kinh tế – xã hội và phương án triển khai thực hiện kỹ thuật.
Bảng danh mục kỹ thuật đề nghị phê duyệt bổ sung phải được trình bày theo đúng kết cấu (viết đúng chuyên khoa, số thứ tự kỹ thuật, tên kỹ thuật) của Danh mục kỹ thuật quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư này

Thủ tục phê duyệt danh mục kỹ thuật

1. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại Điều 7 hoặc Điều 8 của Thông tư này về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế hoặc Sở Y tế theo thẩm quyền. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Công an gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Y tế – Bộ Công an; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Giao thông vận tải gửi 01 bộ hồ sơ về Cục Y tế – Bộ Giao thông vận tải.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện (căn cứ vào ngày ghi trên sổ công văn đến) cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải xem xét xác định hồ sơ hợp lệ hoặc chưa hợp lệ. Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản thông báo cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để hoàn chỉnh hồ sơ. Văn bản thông báo phải nêu cụ thể tài liệu bổ sung và các nội dung phải sửa đổi, bổ sung. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bổ sung, sửa đổi hồ sơ theo nội dung của văn bản thông báo và gửi hồ sơ bổ sung về cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã bổ sung hồ sơ nhưng không đúng với yêu cầu thì phải tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định tại Khoản này cho đến khi hồ sơ đạt yêu cầu.
3. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (căn cứ vào ngày ghi trên sổ công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ), cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải tổ chức thẩm định và ban hành quyết định phê duyệt Danh mục kỹ thuật đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Việc thẩm định được tiến hành trên hồ sơ, trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thành lập Hội đồng chuyên môn để thẩm định một phần hoặc toàn bộ danh mục kỹ thuật tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Sau khi thẩm định, Cục Y tế – Bộ Công an, Cục Y tế – Bộ Giao thông vận tải gửi kết quả thẩm định của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý gồm công văn, biên bản thẩm định và danh mục kỹ thuật đã thẩm định về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế hoặc Sở Y tế để đề nghị phê duyệt theo thẩm quyền quy định tại Điều 6 Thông tư này.
4. Đối với các kỹ thuật vượt quá năng lực thẩm định của cơ quan tiếp nhận hồ sơ thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gửi hồ sơ về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế để tổ chức thẩm định, phê duyệt.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan