Thứ năm (19/09/2024)

Bồi thường chi phí đào tạo? Trường hợp nào phải bồi thường?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Trường hợp nào người lao động phải bồi thường kinh phí, chi phí đào tạo? Chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào thì phải bồi thường kinh phí đào tạo?

Trường hợp nào người lao động phải bồi thường kinh phí, chi phí đào tạo? Chấm dứt hợp đồng trong trường hợp nào thì phải bồi thường kinh phí đào tạo?

Trả lời

Theo quy định của bộ luật lao động 2019 trường hợp người lao động phải bồi thường kinh phí đào tạo theo điều 62 của luật này như sau:

Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Không được trợ cấp thôi việc.
2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Như vậy, điều kiện cần để bồi thường chi phí đào tạo là khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng. Ngoài ra còn cần đáp ứng điều kiện theo điều 62 bộ luật lao động 2019

Điều 62. Hợp đồng đào tạo nghề giữa người sử dụng lao động, người lao động và chi phí đào tạo nghề
1. Hai bên phải ký kết hợp đồng đào tạo nghề trong trường hợp người lao động được đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, đào tạo lại ở trong nước hoặc nước ngoài từ kinh phí của người sử dụng lao động, kể cả kinh phí do đối tác tài trợ cho người sử dụng lao động.
Hợp đồng đào tạo nghề phải làm thành 02 bản, mỗi bên giữ 01 bản.
2. Hợp đồng đào tạo nghề phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Nghề đào tạo;
b) Địa điểm, thời gian và tiền lương trong thời gian đào tạo;
c) Thời hạn cam kết phải làm việc sau khi được đào tạo;
d) Chi phí đào tạo và trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
đ) Trách nhiệm của người sử dụng lao động;
e) Trách nhiệm của người lao động.
3. Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệpcho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Như vậy, trường hợp bồi thường chi phí đào tạo cần 3 điều kiện:
– Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái luật
– Hai bên có hợp đồng đào tạo nghề
– Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ


Đi học cử tuyển có phải bồi thường kinh phí đào tạo hay không?

Theo quy định tại Điều 9 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT:

Điều 9. Kinh phí đào tạo cử tuyển
1. Kinh phí để đào tạo người học theo chế độ cử tuyển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo hàng năm theo các quy định hiện hành.
Học bổng chính sách đối với người học theo chế độ cử tuyển do ngân sách địa phương bảo đảm và cấp trực tiếp cho người học theo chế độ học bổng chính sách của Nhà nước.
2. Kinh phí đào tạo người học theo chế độ cử tuyển do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chi trả trực tiếp cho các cơ sở giáo dục theo cơ chế Nhà nước đặt hàng.

Nếu như học phí là do Ngân sách địa phương cấp đúng theo quy định của pháp luật thì người học phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo theo đúng quy định của pháp luật. Có thể xét theo hai trường hợp sau

Trường hợp thứ nhất, Cách tính tiền bồi hoàn trong trường hợp người học không chấp hành sự xét tuyển vào vị trí việc làm theo quy định sau khi tốt nghiệp. Cách tính tiền bồi hoàn (điểm a, khoản 2 điều 13 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT):

TS = (HB+CF) x n

Trong đó TS là tổng số tiền phải bồi hoàn; HB là học bổng chính sách người học được hưởng trong một năm; CF là chi phí đào tạo người học trong một năm; n là số năm mà người học đã học theo chế độ cử tuyển

Trường hợp thứ hai, người học đã đi làm theo như phân công trong cam kết nhưng có thời gian làm việc sau tốt nghiệp theo vị trí việc làm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định ít hơn hai lần thời gian được hưởng học bổng và chi phí đào tạo. Cách tính tiền bồi hoàn (điểm b, khoản 2, Điều 13 Nghị định 143/2006/NĐ-CP):

TS =  (T-t) / T x (HB+CF) x n

Trong đó T là thời gian người được cử tuyển phải chấp hành sự phân công công tác; t là thời gian làm việc người được cử tuyển đã chấp hành theo sự phân công công tác; các ký hiệu: TS là tổng số tiền phải bồi hoàn; HB là học bổng chính sách người học được hưởng trong một năm; CF là chi phí đào tạo người học trong một năm và n là số năm mà người học đã học theo chế độ cử tuyển


Bồi thường kinh phí đào tạo đối với viên chức

Theo điều 35 luật viên chức 2010 (sửa đổi 2019) quy định về quyền lợi và nghĩa vụ khi viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn:

Điều 35. Trách nhiệm và quyền lợi của viên chức trong đào tạo, bồi dưỡng
1. Viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng phải chấp hành nghiêm chỉnh quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng.
2. Viên chức được cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng được hưởng tiền lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập; thời gian đào tạo, bồi dưỡng được tính là thời gian công tác liên tục, được xét nâng lương.
3. Viên chức được đơn vị sự nghiệp công lập cử đi đào tạo nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc tự ý bỏ việc phải đền bù chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

Việc đền bù chi phí đào tạo đối với viên chức quy định tại nghị định 101/2017/NĐ-CP như sau:

Điều 7. Đền bù chi phí đào tạo
Cán bộ, công chức, viên chức, được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc kinh phí của cơ quan quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phải đền bù chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
1. Tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc trong thời gian đào tạo.
2. Không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp.
3. Đã hoàn thành và được cấp văn bằng tốt nghiệp khóa học nhưng bỏ việc hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại Điều 5 hoặc Điều 6 Nghị định này.
Điều 8. Chi phí đền bù và cách tính chi phí đền bù
1. Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp (nếu có).
2. Cách tính chi phí đền bù:
a) Đối với trường hợp quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 7 Nghị định này, cán bộ, công chức, viên chức phải trả 100% chi phí đền bù;
b) Đối với các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này, chi phí đền bù được tính theo công thức sau: S=F/T1 x (T1-T2)
Trong đó:
– S là chi phí đền bù;
– F là tổng chi phí do cơ quan, đơn vị cử cán bộ, công chức, viên chức đi học chi trả theo thực tế cho 01 người tham gia khóa học;
– T1 là thời gian yêu cầu phải phục vụ sau khi đã hoàn thành khóa học (hoặc các khóa học) được tính bằng số tháng làm tròn;
– T2 là thời gian đã phục vụ sau đào tạo được tính bằng số tháng làm tròn.
Ví dụ: Anh A được cơ quan cử đi đào tạo thạc sỹ 02 năm (= 24 tháng), chi phí hết 30 triệu đồng. Theo cam kết, anh A phải phục vụ sau khi đi học về ít nhất là 48 tháng. Sau khi tốt nghiệp, anh A đã phục vụ cho cơ quan được 24 tháng. Sau đó, anh A tự ý bỏ việc. Chi phí đào tạo mà anh A phải đến bù là: S= 30 triệu đồng / 48 tháng (48 – 24 tháng) = 15 triệu đồng
Điều 9. Điều kiện được giảm chi phí đền bù
Mỗi năm công tác của cán bộ, công chức, viên chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo) được tính giảm 1% chi phí đền bù. Trường hợp là nữ hoặc là người dân tộc thiểu số thì mỗi năm công tác được tính giảm tối đa 1,5% chi phí đến bù.

Hỏi đáp về bồi thường chi phí đào tạo

1. Làm sao để tránh bồi thường chi phí đào tạo? Người lao động có thể tránh bồi thường chi phí đào tạo trong các trường hợp sau:
– Chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp
– Việc đào tạo không lập thành hợp đồng hoặc không chứng minh được chi phí
Tuy nhiên, người lao động nên lưu ý về các điều khoản và các nội dung trước khi ký hợp đồng
2. Mức bồi thường chi phí đào tạo là bao nhiêu? Theo quy định mức bồi thường kinh phí đào tạo người lao động phải chứng minh và có đầy đủ giấy tờ như chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian ở nước ngoài

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan