Thứ năm (12/09/2024)

Phân biệt thuế, phí, lệ phí

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Khái niệm thuế, phí, lệ phí? Các điểm giống và khác nhau của thuế, phí, lệ phí. So sánh, phân biệt thuế, phí, lệ phí

Thuế, phí, lệ phí đều là các khoản đóng cho ngân sách nhà nước, tại sao không gọi chung bằng một tên mà lại chia ra nhiều cách gọi như vậy? Bản chất thuế, phí, lệ phí có gì khác nhau? Để nhằm nâng cao hiểu biết cho người dân về vấn đề này, AZLAW sẽ có bài so sánh, phân biệt các điểm giống và khác nhau của thuế, phí, lệ phí!

Về khái niệm thuế, phí, lệ phí

Thuế là gì?

Thuế là một khoản nộp ngân sách nhà nước bắt buộc của tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân theo quy định của các luật thuế.
(Khoản 1 điều 3 Luật quản lý thuế 2019)

Phí là gì?

Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được (Khoản 1 điều 3 Luật phí và lệ phí 2015)

Lệ phí là gì?

Lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước (Khoản 2 điều 3 Luật phí và lệ phí 2015)

Xem thêm: Lệ phí môn bài

Vai trò thuế, phí, lệ phí

Thuế có vai trò là nguồn thu chủ yếu, quan trọng để vận hành bộ máy nhà nước. Việc đóng thuế vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của công dân. Thuế tác động lớn tới vấn đề phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia. Có câu “Dân giàu thì nước mới mạnh

Phí, lệ phí là khoản thu nhỏ trong ngân sách nhà nước không mang tính chất vận hành bộ máy nhà nước mà chủ yếu phục vụ bù đắp cho các dịch vụ mà do cơ quan nhà nước cung cấp để phục vụ cho xã hội: lệ phí đăng ký kinh doanh, lệ phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu…

Điểm giống nhau của thuế, phí, lệ phí

– Cả thuế, phí và lệ phí đều là một trong những khoản thu bắt buộc của Nhà nước, đóng góp vào Ngân sách Nhà nước của quốc gia;
– Là những khoản mà cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đóng;
– Cá nhân, tổ chức chỉ phải đóng thuế, phí, lệ phí trong một số trường hợp và điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật;
– Cá nhân, tổ chức sẽ nộp các khoản tiền căn cứ vào các văn bản pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành đã được phê duyệt.

Có thể thấy chúng đều là các khoản nộp cho ngân sách nhà nước theo một cách nào đó. Ví dụ: Thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí đăng ký kinh doanh….

Điểm khác nhau của thuế, phí, lệ phí

Luật điều chỉnh: Thuế được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao như Hiến pháp, Bộ luật, Luật. Mỗi một loại thuế khác nhau thì sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác nhau tương ứng. Riêng đối với phí và lệ phí được điều chỉnh bằng Luật phí và lệ phí 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Vị trí, vai trò: Đối với thuế mục đích để Nhà nước thu là bổ sung vào nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, từ đây là cơ sở cho việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhằm phục vụ các hoạt động chung của cả cộng đồng hay các hoạt động khác theo quy định của pháp luật. Đối với phí và lệ phí chỉ là những khoản thu phụ của ngân sách Nhà nước và cũng không phải là nguồn thu đáp ứng nhu cầu chi tiêu mọi mặt của Nhà nước, mà trước hết dùng để bù đắp các chi phí trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoặc các cơ quan được Nhà nước giao thẩm quyền cung cấp cho xã hội một số dịch vụ công.

Tính bắt buộc: Thuế mang tính chất bắt buộc áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Đối với phí và lệ phí thì cũng mang tính chất bắt buộc nhưng chỉ bắt buộc khi cá nhân, tổ chức được cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền được Nhà nước giao quyền đáp ứng các dịch vụ công. Như vậy, đối với trường hợp khi nộp phí, lệ phí thì chỉ áp dụng bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.

Phạm vi áp dụng: Đối với thuế được áp dụng trên phạm vi cả nước, đối với tất cả mọi người, không phân biệt đơn vị hành chính lãnh thổ hay phân biệt các công dân khác nhau. Mức đóng thuế sẽ do Quốc hội hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương quyết định trong các luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Đối với phí, lệ phí thì được áp dụng chỉ trong những trường hợp, lĩnh vực nhất định hoặc trong phạm vi lãnh thổ theo sự phân chia địa giới hành chính. Mức đóng phí, lệ phí thường sẽ do cơ quan quản lý về lĩnh vực trong dịch vụ công ban hành hoặc do chính quyền địa phương ban hành. Ví dụ như lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyến sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

Tính hoàn trả: Đối với thuế thì không hoàn trả trực tiếp cho người dân mà sẽ hoàn trả gián tiếp thông qua các hoạt động phục vụ người dân như các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như đường đi, trạm y tếm trường học hay các hoạt động khác nhằm phục vụ cho các hoạt động công ích, phúc lợi xã hội… Đối với phí và lệ phí thì mang tính hoàn trả trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức thông qua kết quả của việc thực hiện các dịch vụ công. Ví dụ lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được hoàn trả trực tiếp cho người đóng lệ phí bằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất mang tên họ.

Cơ quan thu: Đối với thuế cơ quan có thẩm quyền thu đó là cơ quan thuế được thành lập theo quy định của pháp luật. Đối với lệ phí, phí thì cơ quan thực hiện, cung cấp thủ tục, dịch vụ công chính là cơ quan có thẩm quyền thu lệ phí và phí trực tiếp mà không thông qua cơ quan thuế hay các cơ quan khác.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan