Chủ Nhật (28/04/2024)

Xuất hóa đơn khi hoàn trả hàng hóa

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Hàng hóa đã mua không đạt tiêu chuẩn, quy cách thì trả hàng như thế nào? Hướng dẫn xuất hóa đơn khi trả lại hàng đã mua?

Trường hợp nào hoàn trả hàng hóa? Trả lại hàng hóa là trường hợp bên nhận hàng và hóa đơn nhưng vì lý do nào đó mà trả lại hàng cho bên xuât hàng. Trường hợp hoàn trả hàng hóa có thể vì một trong nhũng lý do sau:
– Do hàng hóa không đạt chất lượng nên trả lại hàng hóa cho người mua
– Do hàng hóa được cho vay, cho mượn và được hoàn trả lại khi bên nhận không còn nhu cầu vay, mượn hàng hóa nữa

Xuất hóa đơn hoàn trả hàng hóa như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 điều 4 nghị định 123/2020/NĐ-CP về việc xuất hóa đơn trả lại hàng đã mua quy định như sau:

Điều 4. Nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ
1. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hóa đơn để giao cho người mua (bao gồm cả các trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hóa luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hóa dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hóa) và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử thì phải theo định dạng chuẩn dữ liệu của cơ quan thuế theo quy định tại Điều 12 Nghị định này.

Theo quy định này, khi hoàn trả hàng hóa sẽ do bên bán lập hóa đơn (bên mua không phải lập hóa đơn). Tuy nhiên, trên thực tế căn cứ vào các hướng dẫn của cơ quan thuế tùy từng trường hợp việc xuất hóa đơn trả hàng hóa sẽ được thực hiện khác nhau.

Công văn 2121/TCT-CS ngày 29/05/2023 của Tổng cục thuế: Trường hợp hàng hóa đã mua trước 01/01/2023 với thuế suất 8%, sau ngày 31/12/2022 người mua trả lại hàng hóa do không đúng quy cách, chất lượng, thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập với thuế suất thuế GTGT 8%, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ hàng bán trả lại.

Công văn 3168/CTBDI-TTHT ngày 13/09/2023 của Cục thuế Bình Định: Căn cứ quy định trên, trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen Chi nhánh Bình Định có phát sinh mua hàng hóa và nhà cung cấp đã xuất hóa đơn, nhưng sau đó công ty trả lại hàng cho nhà cung cấp thì: khi trả lại hàng hóa theo hóa đơn mà nhà cung cấp đã xuất bán, thì công ty (người mua) xuất hóa đơn ghi trả lại hàng hóa cho người bán, nếu hàng hóa thuộc diện không giảm thuế GTGT.

Công văn 67049/CTHN-TTHT ngày 15/09/2023 của Cục thuế thành phố Hà Nội: Trường hợp người mua hàng thực hiện mua hàng hóa từ nhà cung cấp (người bán), người bán đã xuất hoá đơn, người mua đã nhận hàng, nhưng sau đó người mua phát hiện hàng hoá không đúng quy cách, chất lượng phải trả lại hàng hoá thì người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán và người mua có thỏa thuận ghi rõ việc hoàn trả hàng hóa (người mua không phải thực hiện lập hóa đơn khi hoàn trả hàng). Căn cứ vào hóa đơn hoàn trả hàng hóa, người bán và người mua thực hiện kê khai tại kỳ tính thuế phát sinh hóa đơn hoàn trả hàng hóa.

=> Như vậy, tùy trường hợp cụ thể mà việc xuất hóa đơn hoàn trả hàng hóa của từng địa phương có thể khác nhau. Để rõ ràng hơn doanh nghiệp có thể liên hệ cơ quan thuế quản lý để có văn bản hướng dẫn cụ thể với việc xuất hóa đơn trả hàng của mình.

Xem thêm: Thời điểm lập hóa đơn

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan