Thứ sáu (04/10/2024)

Có cần công chứng hợp đồng thuê nhà không?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Hợp đồng thuê nhà có bắt buộc phải công chứng? Hợp đồng thuê nhà không công chứng có giá trị pháp lý hay không?

Hợp đồng thuê nhà có cần công chứng hay không? Quy định pháp luật về hợp đồng thuê nhà như thế nào? Hợp đồng thuê nhà trên 6 tháng có phải công chứng hay là không? Trước đây theo quy định cũ thì hợp đồng thuê nhà trên 6 tháng đều bắt buộc phải công chứng. Tuy nhiên hiện nay với các hợp đồng thuê nhà không phân biệt về thời gian về quy định của pháp luật đều không phải công chứng. Trước đây theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 tại điều 492 có quy định:

Điều 492. Hình thức hợp đồng thuê nhà ở
Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác

Tuy nhiên kể từ ngày 1/7/2015 khi mà luật nhà ở 2014 có hiệu lực lại quy định khác tại điều 122 như sau:

Điều 122. Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở
1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Đối với các giao dịch quy định tại khoản này thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là do các bên thỏa thuận; trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm ký kết hợp đồng.
3. Văn bản thừa kế nhà ở được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự.
4. Việc công chứng hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng về nhà ở được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

Hiện nay, Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực và quy định về hợp đồng thuê tài sản cụ thể:

Điều 472. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Do vậy, hiện nay đối với các hợp đồng thuê nhà thì không cần phải công chứng sẽ vẫn có giá trị pháp lý, điều này đã được thể hiện rõ tại công văn 4258/TCT-PC. Tuy vậy trên thực tế việc có nên công chứng hợp đồng thuê nhà hay không cũng sẽ có nhiều ý kiến trái chiều.

Có ý kiến cho rằng vì luật không quy định nên việc công chứng hợp đồng thuê nhà là không cần thiết, tuy vậy việc công chứng hợp đồng thuê nhà cũng có những giá trị nhất định. Cụ thể là nếu xảy ra tranh chấp với các hợp đồng thuê nhà đã có công chứng thì sẽ giảm nghĩa vụ chứng minh khi xuất trình hợp đồng thuê nhà với các cơ quan tư pháp.

Xem thêm: Mẫu hợp đồng thuê nhà


Công văn số: 4528/TCT-PC Vv Công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở

Kính gửi: Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 9986/CT-THNVDT ngày 16/9/2015 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương về việc công chứng, chứng thực hợp đồng cho thuê nhà ở. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
Tại Điều 492, Bộ luật Dân dự 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 14/6/2005), có quy định về hình thức hợp đồng thuê nhà ở:
Hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ sáu tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Tại khoản 2, Điều 122, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2015) quy định về công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở:
2. Đối với trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Tại khoản 2 và khoản 3, Điều 83, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội có quy định áp dụng văn bản quy phạm pháp luật:
2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ luật Dân dự 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 14/6/2005) và Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015) do cùng một cơ quan ban hành – đó là Quốc hội và có giá trị pháp lý như nhau. Trường hợp Bộ luật Dân dự 33/2005/QH11 ngày 14/6/2005 của Quốc hội và Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 quy định khác nhau về hình thức hợp đồng thuê nhà ở, công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở khác nhau thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau là Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 về công chứng, chứng thực trong hoạt động cho thuê nhà ở.
Theo đó, đối với trường hợp các hợp đồng cho thuê nhà ở được ký kết từ ngày Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 ngày 25/11/2014 có hiệu lực (từ ngày 01/7/2015) sẽ không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên trong hợp đồng có nhu cầu.
Đề nghị Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện thống nhất các quy định pháp luật nêu trên trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê nhà ở.
Tổng cục Thuế thông báo để các Cục Thuế biết và thực hiện./.

Xem thêm: Hợp đồng thuê nhà có cần lập thành văn bản?

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan