Công chứng và chứng thực có gì khác nhau?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Giống và khác nhau giữa công chứng và chứng thực. Luật sư tư vấn pháp luật miễn phí về công chứng và chứng thực.
Nội dung bài viết
Quá trình phát triển của hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch luôn gắn liền với quá trình phát triển của hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người vẫn bị nhầm lẫn giữa hai khái niệm này. Trong bài viết dưới đây, AZLAW xin phân tích, phân biệt về công chứng hợp đồng, giao dịch và tạm giữ hợp đồng, giao dịch để quý khách hàng tham khảo thêm.
Công chứng, chứng thực là gì?
Công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Công chứng 2014:
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Chứng thực hợp đồng, giao dịch theo khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.
3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.
4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Giá trị pháp lý của việc công chứng, chứng thực
Hợp đồng, giao dịch được công chứng có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng giao dịch được công chứng không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu. Hợp đồng, giao dịch công chứng có hiệu lực thi hành đối với các bên liên quan; trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ của mình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng giao dịch có thỏa thuận khác.
Hợp đồng, giao dịch được chứng thực có giá trị chứng cứ, chứng minh về thời gian, địa điểm các bên đã ký kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Thẩm quyền công chứng, chứng thực
Hoạt động công chứng hợp đồng, giao dịch: Tổ chức hành nghề công chứng ( Phòng công chứng và văn phòng công chứng) cụ thể là do công chứng viên thực hiện.
Hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch: Theo Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP thì hoạt động chứng thực hợp đồng, giao dịch do Phòng Tư pháp cấp huyện ( Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp) và Ủy ban nhân dân cấp xã (Chủ tịch, Phó Chủ tịch)có thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch thực hiện.
Hồ sơ thủ tục công chứng, chứng thực
Hồ sơ công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014. Hồ sơ chứng thực hợp đồng, giao dịch quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP.
Hồ sơ công chứng có nhiều loại giấy tờ hơn trong hồ sơ chứng thực. Cụ thể là trong hồ sơ công chứng có 5 loại, còn trong hồ sơ chứng thực có 3 loại. Trong hồ sơ chứng thực yêu cầu cụ thể hơn đối với các loại giấy tờ như: trong hồ sơ công chứng yêu cầu có giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng (điểm c, khoản 1 Điều 40 Luật Công chứng 2014), còn trong chứng thực quy định rõ hơn đó là bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn giá trị sử dụng của người yêu cầu chứng thực ( điểm b, khoản 1 Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Trong công chứng hợp đồng, giao dịch thì người yêu cầu công chứng tự mình soạn thảo hợp đồng, giao dịch hoặc yêu cầu công chứng viên soạn thảo. Còn trong chứng thực thì người yêu cầu chứng thực hợp đồng, giao dịch phải tự mình soạn thảo và chịu trách nhiệm.
Thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch: Được quy định tại Điều 40 và Điều 41 Luật Công chứng 2014, bao gồm các bước:
Bước 1: Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ.
Bước 2: công chứng viên kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng, giao dịch là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì thụ lý và ghi vào sổ công chứng.
Bước 3: Công chứng viên yêu cầu người công chứng xuất tình bản chính các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều 40 để đối chiếu trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch.
Bước 4: Trả kết quả và thu phí công chứng.
Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch: quy định tại Điều 36 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, gồm các bước sau:
Bước 1: Người yêu cầu chứng thực nộp một bộ hồ sơ có trong dự thảo hợp đồng, giao dịch cần chứng thực.
Bước 2: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực, nếu hồ sơ đầy đủ tại thời điểm chứng thực các bên tham gia hợp đồng, giao dịch tự nguyện, minh mẫn và nhận thức làm chủ được hành vi của mình thì thực hiện chứng thực.
Bước 3: Các bên tham gia hợp đồng, giao dịch phải ký trước mặt người thực hiện chứng thực, ghi lời chứng, ký tên, đóng dấu.
Bước 4: Trả kết quả và thu lệ phí chứng thực.
Thời hạn công chứng, chứng thực
Thời hạn công chứng không quá 02 ngày làm việc; đối với hợp đồng, giao dịch có nội dung phức tạp thì thời hạn công chứng có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc
Thời hạn chứng thực: quy định tại Điều 37 Nghị định 23/2015/NĐ-CP: “ Thời hạn chứng thực hợp đồng, giao dịch không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ yêu cầu chứng thực hoặc có thể kéo dài hơn theo thỏa thuận bằng văn bản với người yêu cầu chứng thực”.
Về địa điểm công chứng và chứng thực hợp đồng, giao dịch
Điều 44 Luật Công chứng 2014 quy định về địa điểm công chứng:
Điều 44. Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Địa điểm chứng thực hợp đồng, giao dịch:được quy định tại Điều 10 Nghị định 23/2015/NĐ-CP:
Điều 10. Địa điểm chứng thực
1. Việc chứng thực được thực hiện tại trụ sở cơ quan, tổ chức có thẩm quyền chứng thực, trừ trường hợp chứng thực di chúc, chứng thực hợp đồng, giao dịch, chứng thực chữ ký mà người yêu cầu công chứng thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác.
Phạm vi công chứng, chứng thực
Đối với hợp đồng giao dịch có liên quan đến thực hiện chủ quyền của chủ bất động sản thì công chứng được thực hiện trong phạm vi toàn tỉnh còn chứng thực chỉ được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đó.
Nghĩa vụ tài chính
Lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch được quy định tại Thông tư số 158/2015/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2015 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch. Có 3 loại lệ phí: lệ phí chứng thực hợp đồng, giao dịch; lệ phí chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch và lệ phí chứng thực việc sửa lỗi sai sót trong hợp đồng, giao dịch được chứng thực
Lệ phí công chứng hợp đồng, giao dịch được quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2012/TTLT-BTC-BTP ngày 19/01/2012 hướng dẫn về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng. Theo quy định của thì phí công chứng được thu theo trên cơ sở giá trị tài sản, giá trị khoản vay hoặc giá trị của hợp đồng. Bên cạnh phí công chứng, người yêu cầu công chứng còn phải trả thù lao khi yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng thực hiện việc soạn thảo hợp đồng, giao dịch, đánh máy, sao chụp, dịch giấy tờ, văn bản và các việc khác liên quan đến việc công chứng.