Thứ Bảy (27/04/2024)

Đăng ký quyền tác giả để từ chối đăng ký nhãn hiệu?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Đăng ký bản quyền tác giả có thể từ chối đăng ký nhãn hiệu hay không? Điểm mới của luật SHTT 2022 về khả năng phân biệt nhãn hiệu là bản quyền tác giả như thế nào?

Theo quy định mới của luật Sở hữu trí tuệ 2022, về khả năng phân biệt của nhãn hiệu được bổ sung thêm quy định tại điều 74.2.p như sau:

Điều 74. Khả năng phân biệt của nhãn hiệu
2. Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt nếu nhãn hiệu đó là dấu hiệu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
p) Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó

Vậy, việc xác định khả năng phân biệt theo quy định trên cần đáp ứng 2 yếu tố:
1. Tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả (có thể đăng ký hoặc chưa đăng ký)
2. Được biết đến một cách rộng rãi (chưa được định nghĩa rõ ràng)

Tham khảo vụ tranh chấp thực tế sau đây: Công ty Musidor B.V – một trong những công ty của ban nhạc rock nổi tiếng The Rollings Stone là chủ sở hữu và có đầy đủ, hợp pháp các quyền sử dụng, khai thác hình ảnh của logo có tên phổ thông là “Tongue and Lips logo” (Biểu tượng môi và lưỡi). Logo này do nhà thiết kế John Pasche tại Vương Quốc Anh thiết kế từ năm 1970 và đã gắn liền với các sản phẩm, hoạt động âm nhạc của ban nhạc The Rollings Stone trong suốt nhiều thập kỉ. “Tongue and Lips logo” là tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả theo Công ước Berne 1886 về Bảo hộ Tác phẩm Văn học và Nghệ thuật. Bên cạnh đó, Công ty Musidor B.V. cũng đã đăng ký và được bảo hộ nhãn hiệu cho logo này tại hơn 50 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên chưa được đăng ký tại Việt Nam.

Tháng 1 năm 2016, một cá nhân người Việt Nam đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có chứa dấu hiệu hình “Biểu tượng môi và lưỡi” đối với “Dịch vụ cho thuê chỗ ở tạm thời; cho khách thuê lưu trú tạm thời; nhà hàng ăn uống” thuộc nhóm 43 và sử dụng nhãn hiệu này cho một khách sạn ở Hà Nội cũng như trên website và mạng xã hội.

Nội dung phản đối

Tháng 9 năm 2016, Công ty Musidor B.V đã đệ trình đơn phản đối đối với nhãn hiệu xin đăng ký của bên bị phản đối với các chứng cứ và lập luận như sau:

Thứ nhất, hình thức thể hiện của logo “Biểu tượng môi và lưỡi” được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng và thoả mãn tiêu chí được bảo hộ quyền tác giả theo pháp luật Việt Nam. Theo Điều 3 của Công ước Berne – Công ước quốc tế về bảo hộ tác phẩm văn học nghệ thuật mà Việt Nam là thành viên, thì Việt Nam có trách nhiệm bảo hộ quyền tác giả cho tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả của các quốc gia khác là thành viên Công ước, trong đó có Anh – quốc gia nơi tác giả mang quốc tịch.

Thứ hai, nhãn hiệu “The Tongue and Lips logo” của Musidor B.V. là nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ nhãn hiệu tại hơn 50 quốc gia trên thế giới và được sử dụng và biết đến rộng rãi trước thời điểm nộp đơn của nhãn hiệu xin đăng ký.

Thứ ba, bên bị phản đối sử dụng dấu hiệu trùng với logo “biểu tượng môi và lưỡi” đã được sáng tạo và thuộc sở hữu hợp pháp của Công ty Musidor B.V mà không được sự cho phép từ Công ty này.

Kết quả: Sau khi xem xét đơn phản đối của Công ty Musidor B.V, Cục SHTT Việt Nam đã ra quyết định chấp nhận ý kiến phản đối của Musidor B.V và ban hành quyết định từ chối bảo hộ nhãn hiệu đối với bên bị phản đối với lý do nhãn hiệu xin đăng ký trùng với tác phẩm mỹ thuật ứng dụng “Biểu tượng môi và lưỡi” thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của Bên phản đối đã được xác lập và biết đến rộng rãi theo Điều 39.4g Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN (dấu hiệu hình bị coi là không có khả năng phân biệt và không được bảo hộ nhãn hiệu nếu nó “trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình ảnh của các nhân vật, hình tượng trong các tác phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một cách rộng rãi, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó).

Bài học kinh nghiệm: Qua vụ việc trên, có thể thấy nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại luật SHTT không phải là nguyên tắc tuyệt đối. Trường hợp nếu chứng minh được về việc vi phạm quyền tác giả hoàn toàn có thể phản đối được đối với đơn đăng ký nhãn hiệu. Do vậy, bên cạnh việc đăng ký nhãn hiệu, tác giả nên đăng ký bản quyền cho logo để tận dụng lợi thế phát sinh trước của quyền tác giả.

Xem thêm: Đăng ký nhãn hiệu hay bản quyền tác giả

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan