Thứ Bảy (20/04/2024)

Review làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Chia sẻ kinh nghiệm làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực doanh nghiệp. Hồ sơ, quy trình làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư

Đợt này thấy nhiều bạn hỏi về kinh nghiệm khi làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư nên tiện tay viết bài chia sẻ luôn. Trong nội dung bài viết này AZLAW chỉ chia sẻ về quy trình và cách thức chuẩn bị hồ sơ tài liệu khi làm việc với thanh tra sở KHĐT, cụ thể ở đây là thanh tra sở KHĐT thành phố Hà Nội. Thanh tra sở ở các tỉnh khác thì cũng tương tự thôi các bạn cứ áp dụng mà làm.

Một số lưu ý khi làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư

  • Cần xem và hiểu rõ vấn đề mà mình sẽ bị phạt trước khi làm việc với thanh tra sở (thường là do chậm thông báo hoặc thay đổi đăng ký kinh doanh do có thay đổi quá 10 ngày hoặc do không góp đủ vốn đúng hạn mà không làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh…)
  • Nắm rõ các quy định về mức phạt trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư, cụ thể là nghị định 50/2016/NĐ-CP để biết mức phạt cụ thể của mình là bao nhiêu, theo quy định về cách tính mức phạt khi vi phạm hành chính thì thường mức phạt là trung bình mức cao nhất và thấp nhất của khung. Lưu ý tại điều 4 của nghị định đối với mức phạt của cá nhân thì bằng 1/2 mức phạt của tổ chức vi phạm.
  • Tìm hiểu rõ phòng thanh tra ở đâu để tránh mất thời gian làm việc, đối với Hà Nội thì phòng thanh tra ở địa chỉ Tầng 6, số 16 Cát Linh (một số nơi khác có thể ở cùng với phòng đăng ký kinh doanh hoặc trung tâm hành chính công)
  • Nên để có một thông báo sửa đổi bổ sung hồ sơ để thanh tra luôn theo nội dung thông báo đó, tránh trường hợp xin thanh tra lại lục tung hồ sơ bên bạn lên để phạt. Như của bên mình thì nó là như thế này:
  • Phía thanh tra sở sẽ không lập biên bản phạt ngay như bên thuế hay công an đâu mà sẽ yêu cầu thêm một số hồ sơ nữa mình sẽ hướng dẫn ở phần dưới (xin phạt rồi mà không phạt luôn, mất thời gian value)

Các giấy tờ, hồ sơ cần chuẩn bị khi làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư

Khi bị phạt thì đương nhiên là phạt trường hợp nào thì chuẩn bị giấy tờ theo trường hợp đó rồi, nhưng khi làm việc thì có thể bị yêu cầu thêm (lý do là gì thì chắc ai cũng hiểu). Tương tự đối với trường hợp khách hàng bên mình là do thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do chuyển nhượng cổ phần nhưng một năm rồi mới đi thông báo. Mức phạt theo điểm c khoản 1 điều 32 nghị định 50/2016/NĐ-CP có 1.500.000 VNĐ thôi mà chạy lòng vòng mấy vòng, phí dịch vụ thì cao hơn cả mức phạt, đúng là chả có doanh nghiệp nước nào tội nghiệp như doanh nghiệp nước mình về vấn đề này.

Điều 32. Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Không thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh về việc thay đổi thông tin cổ đông sáng lập hoặc cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần chưa niêm yết;

Đầu tiên bên mình có chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thay đổi ĐKKD kèm theo thông báo như trên yêu cầu gặp thanh tra làm việc nhưng khi gặp rồi thì yêu cầu bổ sung thêm một số tài liệu sau:

  • Văn bản giải trình về việc vi phạm (đương nhiên là do khách hàng không nắm rõ quy định hoặc quên rồi, phạt thì cứ phạt đi lại còn đòi giải trình, thế nên đã làm rồi thì cứ ghi sao cho cảm thông vào và xin mức phạt thấp nhất. Nói vậy thôi chứ chẳng ai cho mức phạt thấp nhất đâu…)
  • Giấy chứng nhận phần vốn góp (sổ thành viên) của các thành viên trong công ty tránh trường hợp chưa góp đủ để có cớ phạt thêm. (Đây là bên mình làm công ty TNHH, cổ phần thì là sổ cổ đông tương tự nhé)
  • Báo cáo tài chính 2 năm gần nhất, chấp nhận bản in từ hệ thống có xác nhận của công ty lý do như ở trên phạt một thể
  • Ảnh chụp trụ sở công ty, lý do như ở trên nốt nhưng được nghe nhân viên giải thích là “lẽ ra phải xuống trực tiếp trụ sở thanh tra nhưng không xuống nên lấy cái ảnh”
  • Ủy quyền đại diện để ký vào biên bản vi phạm
  • Các tài liệu khác tùy vào vi phạm cụ thể nữa nhưng đây là áp dụng với trường hợp của bên mình nên chỉ đơn giản như vậy

Quy trình phạt khi làm việc với thanh tra sở kế hoạch đầu tư

Xử phạt trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư thì cũng chỉ đơn giản là xử phạt hành chính, nên vẫn áp dụng theo quy định của luật hành chính đầu tiên là lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức cá nhân vi phạm ký vào biên bản và nêu ý kiến của mình, tiếp theo là ra quyết định xử phạt trong vòng 7 ngày theo quy định tại điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.
Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.
2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo quy định trên trong vòng 7 ngày từ khi lập biên bản thì phải có quyết định phạt rồi, nếu không có cũng phải có văn bản gia hạn nên quá 7 ngày mà chưa có biên bản phạt thì các bạn cứ ý kiến nhiệt tình đi nhé! Sau khi nhận được quyết định phạt chỉ cần photo quyết định để đi nộp phạt vào kho bạc và lấy biên lai nộp phạt là đã xong thủ tục. Tiếp theo chỉ cần đính kèm quyết định phạt và xác nhận nộp phạt vào hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng là là đã có thể tiếp tục thực hiện hồ sơ một cách bình thường rồi nhé! Trên thực tế có nhiều cách làm việc để đơn giản và nhanh hơn nhưng đó là cách giải trình khéo léo của từng bên cung cấp dịch vụ. Nếu có vấn đề gì cần hướng dẫn hoặc giải quyết mọi người có thể liên hệ AZLAW để hướng dẫn nhé! Bên mình không khuyến khích “đi cửa sau” vì điều này là vi phạm pháp luật hãy ôm hồ sơ lên và làm việc để nộp phạt và đóng góp vào ngân sách góp phần xây dựng đất nước. Tuy nhiên nếu không muốn đóng góp cho đất nước thì các bạn nên đọc bài này và đợi phạt sau. Chúc các bạn thành công!

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan