Khái niệm, đặc điểm của bảo lãnh
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Bão lãnh là gì? Quy định về quyền, nghĩa vụ các bên trong bảo lãnh? Quy định pháp luật về bảo lãnh
Nội dung bài viết
Bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm dân sự được nhiều người sử dụng, tuy nhiên về bản chất và đặc điểm của bảo lãnh khác các hình thức đảm bảo như thế nào? Hãy cùng AZLAW đi phân tích về các nội dung của bảo lãnh.
Bảo lãnh là gì?
Theo luật dân sự 2015, Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Nếu trong các giao dịch khác, hợp đồng có hiệu lực kể từ khi kí kết hoặc chuyển giao tài sản thì trong bảo lãnh, nghĩa vụ bảo lãnh chỉ xuất hiện khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn thực hiện.
Đồng thời khác với cầm cố hay thế chấp, quan hệ bảo lãnh là quan hệ 3 bên: bên bảo lãnh, bên nhận bảo lãnh, bên được bảo lãnh. Bên bảo lãnh đứng ra cam kết với bên có quyền (bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ; và các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.
Chủ thể trong quan hệ bảo lãnh:
Quan hệ bảo lãnh là quan hệ 3 bên gồm bên có quyền, bên có nghĩa vụ và bên thứ ba. Trong đó bên có quyền là bên nhận bảo lãnh, bên có nghĩa vụ là bên được bảo lãnh, bên thứ ba là bên bảo lãnh.
Bên bảo lãnh phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có khả năng tài chính. Bên bảo lãnh có thể là tổ chức, cá nhân có năng lực dân sự đầy đủ, có tài sản riêng. Ngoài ra, có thể có nhiều người bảo lãnh cho một cá nhân trong một quan hệ bảo lãnh.
Phạm vi của bảo lãnh
Điều 336 bộ luật dân sự quy định về phạm vi bảo lãnh như sau:
– Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
– Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
– Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
– Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.
Chấm dứt bảo lãnh
Bảo lãnh sẽ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
– Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt
– Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác
– Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh
– Theo thỏa thuận của các bên.
Quyền và nghĩa vụ của các bên
Bên nhận bảo lãnh
- Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của mình thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.
- Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.
- Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.
Bên bảo lãnh
- Bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.
- Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.
- Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thỏa thuận.
Bên được bảo lãnh
- Bên được bảo lãnh có nghĩa vụ trả thù lao cho bên bảo lãnh nếu có thỏa thuận
- Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
Nhiều người cùng bảo lãnh được không?
Năm 2012 tôi có làm hồ sơ vay tín chấp ngân hàng Mekong chi nhánh Sa đéc. Do làm hồ sơ là làm chung cho giáo viên của trường (7 giáo viên). Trong bộ hồ sơ tổng có 01 bảng bảo lãnh lẫn nhau có nội dung nếu có người không trả thì số còn lại phải trả không biện lý do gì và yêu cầu chúng tôi ký tên. Đến năm 2016 có 01 giáo viên trong số 7 người vay chuyển công tác sang đơn vị khác sau đó bỏ trốn vì thiếu nợ. Vậy xin hỏi luật sư trước trường hợp đó chúng tôi cần phải làm gì vì cô này chính là người kí nhận tiền, có sổ BHXH và các tài sản khác? Việc bảo lãnh tập thể như vậy không qua UBND là có hợp lệ không? Khi ngân hàng khởi kiện chúng tôi có được bảo vệ quyền lợi chỉ là người bảo lãnh chứ không là người nhận tiền không hay chúng tôi phải trả số tiền dư nợ đó cho ngân hàng?
Trả lời:
Thứ nhất, trong trường hợp của bạn, 7 người cùng ký tên thực hiện việc bảo lãnh cho nhau. Một trong số 7 người là người trực tiếp ký nhận tiền, có sổ BHXH và các tài sản khác. Do vậy, người giáo viên bỏ trốn đóng vai trò là người được bảo lãnh và 6 người còn lại là người bảo lãnh. Theo đó, trong trường hợp này, 6 giáo viên còn lại phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người đã bỏ trốn. Sau đó trình báo với cơ quan công an và phối hợp điều tra, tìm kiếm người đã bỏ trốn. Nếu bắt được người đã trốn nợ thì có quyền đòi người đó thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nghĩa là bù đắp lại phần nợ mà 6 người kia đã thực hiện đối với ngân hàng. Tùy vào trường hợp bên bảo lãnh cam kết bảo lãnh một phần hay toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
Thứ hai, Bộ luật dân sự 2015 cho phép nhiều người cùng bảo lãnh tại điều 338 của luật này:
Điều 338. Nhiều người cùng bảo lãnh
Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.
Pháp luật không quy định khi bảo lãnh tập thể phải thông qua UBND, do vậy việc bảo lãnh trên vẫn hợp lệ.
Thứ ba, khi ngân hàng khởi kiện, trên cương vị là người bảo lãnh, khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì người bảo lãnh phải dùng tài sản thuộc quyền sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. Sau đó có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ trong phạm vi bảo lãnh.