Thứ Hai (29/04/2024)

“Nuôi con tu hú” có được yêu cầu bồi thường

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Vợ sinh con với người khác thì chồng có quyền lợi gì? Yêu cầu bồi thường khi nuôi con tu hú?

Nuôi con tu hú là gì?

“Nuôi con tu hú” là một thuật ngữ dân gian ám chỉ việc người đàn ông nuôi con của vợ mà không phải do minh sinh ra. Vậy nuôi con tu hú được pháp luật bảo vệ như thế nào? Trường hợp vợ ngoại tình sinh con thì người chồng phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình?

Quy định pháp luật về việc nuôi con không do mình sinh ra

Theo quy định tại điều 88 luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về con chung như sau:

Điều 88. Xác định cha, mẹ
1. Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.
Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.
Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng.
2. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định.

Theo quy định này, trường hợp người vợ ngoại tình thì con sinh ra vẫn được xác định là con chung. Tuy nhiên, trường hợp không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được tòa xác định. Do vậy, đối với trường hợp có nghi ngờ về việc con sinh ra không phải con mình thì người chồng có thể yêu cầu tòa án xác định bằng các biện pháp khoa học như xét nghiệm ADN.

Phải nuôi con không do mình sinh ra được bồi thường như thế nào?

AZLAW dẫn chứng bản án 04/2020/DS-ST ngày 28/05/2021 của TAND huyện Thanh Ba, Phú Thọ như sau:

“Tôi và chị Nguyễn Thị Thanh H kết hôn với nhau năm 2009. Quá trình kết hôn, vợ chồng có 02 con chung là Đinh Thị Hồng G, sinh 01/3/2010 và Đinh Tùng L, sinh ngày 15/12/2015. Sau khi kết hôn, tôi làm nghề buôn bán lâm sản và lái xe. Chị H ở nhà nuôi con. Chị H không nghề nghiệp cho đến khi chúng tôi ly hôn.
Do chị H không chung thuỷ nên cháu L không phải là con tôi. Nội dung này sau khi giám định ADN tôi mới biết.”

Khi biết được sự thật, ông V đã đi kiện để đòi bà V chi phí nuôi dưỡng cháu L (121 triệu đồng), tiền công chăm sóc và bồi thường tổn thất tinh thần. Ông V cho rằng việc ông lấy vợ, sinh con là mục đích được hưởng lợi về tình cảm, cậy nhờ con khi tuổi già. Cháu L không cùng huyết thống với ông mà ông lại phải nuôi dưỡng…

Bà H thừa nhận cháu L là con của người khác. Tuy nhiên, sự việc này đã được ông V chấp nhận, ông cũng đồng ý nuôi con để làm phúc. Ban đầu bà không đồng ý bồi thường vì trong thời kỳ hôn nhân ông V cũng có quan hệ ngoài luồng. Sau đó, tại phiên tòa, bà chấp nhận bồi thường cho ông V chi phí nuôi cháu L là 50 triệu đồng

Kết quả

Về căn cứ bồi thường: Ngoài căn cứ theo khoản 1 Điều 584 BLDS Toà án còn áp dụng quy định chung theo Điều 3 BLDS và Lẽ công bằng theo quy định của BLDS để buộc bồi thường. Điều 6 Bộ luật dân sự quy định: “1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức, mọi việc làm đều có mục đích. Anh Đinh Hồng V nuôi dưỡng chăm sóc cháu Đinh Tùng L là được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già. Nhưng mục đích ấy đã không đạt được. Vì vậy, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp với quy định chung của pháp luật và vì lẽ công bằng.

Xét về mức bồi thường: Trong quá trình nuôi dưỡng cháu Đinh Tùng L (51 tháng) anh Đinh Hồng V trình bày chị Nguyễn Thị Thanh H không có nghề nghiệp, không có thu nhập. Chị Nguyễn Thị Thanh H trình bày chị có kinh doanh buôn bán và có thu nhập. Các bên có lời khai khác nhau, tuy nhiên theo Luật Hôn nhân và gia đình việc nội trợ gia đình được coi là lao động có thu nhập do đó thu nhập của anh Đinh Hồng V và trách nhiệm nuôi dưỡng cháu L được tính cho cả chị Nguyễn Thị Thanh H. Do vậy mức chi phí nuôi dưỡng được tính bằng ½ tổng chi phí. Theo kê khai của anh Đinh Hồng V thì tổng chi phí là 121 triệu đồng. Theo xác nhận của UBND xã Mỹ Lung chi phí nuôi dưỡng một cháu nhỏ từ 0 tuổi đến 5 tuổi là từ 2.000.000 đồng đến 2.200.000 đồng/tháng. Toà án lấy mức bình quân là 2.100.000 đồng làm cơ sở để bồi thường. Về chi phí khi sinh cháu Đinh Tùng L: Anh Đinh Hồng V khai chi phí 15 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Thanh H thừa nhận chi phí là 12 triệu đồng do anh V chi trả. Số tiền này cần buộc chị H phải thanh toán cho anh Đinh Hồng V bằng 1/2. Về mức bồi thường tổn thất tinh thần: Anh Đinh Hồng V yêu cầu bồi thường ở mức cao nhất là 10 tháng lương cơ bản, Hội đồng xét xử quyết định ở mức 08 tháng lương cơ bản. Về tiền công chăm sóc: Thực tế chị Nguyễn Thị Thanh Hương giành nhiều thời gian chăm sóc cháu Đinh Tùng Lâm hơn, do vậy cần buộc chị Nguyễn Thị Thanh H thanh toán một phần cho anh Đinh Hồng V.

Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đinh Hồng V.
Buộc chị Nguyễn Thị Thanh H phải thanh toán (bồi thường) tiền cho anh Đinh Hồng V các khoản tiền sau:
1. Tiền chi phí nuôi dưỡng cháu Đinh Tùng L với thời gian 51 tháng x 1.050.000 đồng/tháng = 53.550.000 đồng (không bao gồm tiền công chăm sóc).
2. Tiền tổn thất tinh thần cho anh Đinh Hồng V bằng 08 tháng lương cơ bản x 1.490.000 đồng = 11.920.000 đồng.
3. Tiền chi phí khi sinh là 6.000.000 đồng.
4. Tiền công chăm sóc 500.000đ/tháng x với thời gian 51 tháng =25.500.000 đồng.
Tổng cộng mục 1+2+3+4 = 96.970.000 đồng (chín mươi sáu triệu, chín trăm bảy mươi ngàn đồng).

Người vợ vi phạm nghĩa vụ chung thủy, phải bồi thường
Việc ông V yêu cầu bồi thường chi phí nuôi dưỡng cháu L và bồi thường tổn thất về tinh thần vì cháu L không phải là con ruột là công bằng.
Khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người vợ đã không tuân thủ nghĩa vụ chung thủy… nên có lỗi với chồng và phải bồi thường.

ThS NGUYỄN ĐỨC PHƯỚC, Chánh án TAND quận Bình Tân, TP.HCM

Ba điểm tích cực của bản án
Thứ nhất: Khi pháp luật quy định chưa rõ ràng, chưa có án lệ về vụ việc tương tự, tòa đã mạnh dạn áp dụng lẽ công bằng để giải quyết. Điều này cho thấy sự dũng cảm của người áp dụng pháp luật, rất cần thiết để áp dụng các nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.
Thứ hai: Bản án không chỉ tuyên buộc người vợ trả chi phí nuôi dưỡng, công chăm sóc đứa trẻ mà còn ghi nhận cả về bồi thường tinh thần cho người chồng. Điều này là rất hợp lý bởi người chồng không chỉ bỏ tiền, thời gian, công sức chăm sóc mà còn là tình yêu thương đối với đứa con và cả vợ. Vì vậy, việc “nuôi con người khác” còn gây tổn thương về tinh thần khi sự yêu thương, chăm sóc đã trái với kỳ vọng của người chồng.
Thứ ba: Từ bản án này, các tòa sẽ mạnh dạn áp dụng đối với những vụ việc tương tự và đối tượng áp dụng không chỉ là người vợ mà cả người chồng nếu có hành vi vi phạm tương tự.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan