Thứ Ba (30/04/2024)

Lẽ công bằng là gì? Điều kiện áp dụng lẽ công bằng?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Lẽ công bằng là gì? Trường hợp nào áp dụng lẽ công bằng. Áp dụng lẽ công bằng như thế nào?

Lẽ công bằng là gì?

Lẽ công bằng (“l’équité” trong tiếng Pháp và “equity” trong tiếng Anh) có thể được hiểu là “một chuẩn mực được rút ra từ quan hệ cụ thể, có nội dung cấu thành từ các quan hệ thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nhận thức của nhiều người về sự công bằng trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong một quan hệ pháp luật dân sự có tranh chấp và được giải quyết thấu tình, đạt lý phù hợp với đạo lý”. Hiện tại, theo quy định pháp luật Việt Nam không có định nghĩa cụ thể về lẽ công bằng. Tuy nhiên, tại điều 6 bộ luật dân sự 2015 và điều 45 bộ luật tố tụng dân sự 2015 có đề cập tới việc áp dụng lẽ công bằng khi giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.

Điều 6. Áp dụng tương tự pháp luật
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.

Bộ luật dân sự 2015

Điều 45. Nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng
3. Việc áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng được thực hiện như sau:
Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là những nguyên tắc được quy định tại Điều 3 của Bộ luật dân sự.
Án lệ được Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong giải quyết vụ việc dân sự khi đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công bố.
Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó.

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Áp dụng lẽ công bằng như thế nào?

Áp dụng lẽ công bằng là vấn đề mới nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh trong khi chưa có điều luật để áp dụng, cụ thể hóa nguyên tắc “Tòa án không được quyền từ chối giải quyết các vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”.

Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội trong trường hợp chưa có quy phạm, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ để áp dụng. Áp dụng lẽ công bằng giải quyết các tranh chấp dân sự góp phần bảo đảm cho các quyền dân sự chính đáng của chủ thể được bảo đảm thực hiện, đồng thời giữ gìn mối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm cho các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thương mại được bảo đảm thực hiện.

Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là căn cứ để cơ quan lập pháp ban hành văn bản pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” của pháp luật cho phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ trong xã hội về tài sản và nhân thân thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự. Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là một việc phức tạp và khó khăn đối với Tòa án. Tuy nhiên, việc áp dụng lẽ công bằng trong trường hợp chưa có luật điều chỉnh, chưa có tập quán, án lệ để áp dụng. Khi có bản án áp dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp này, nếu bản án mẫu mực và đáp ứng các điều kiện để phát triển án lệ thì bản án này lại được xem xét để phát triển thành án lệ.

Ví dụ về áp dụng lẽ công bằng: Bản án dân sự phúc thẩm số 149/2020/DS-PT Ngày 06/07/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương) về việc “tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa các đương sự và bản án về nuôi con tu hú.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan