Thứ năm (19/09/2024)

Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng như thế nào? Thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm?

Trường hợp nào thực phẩm phải đăng ký quảng cáo

Theo quy định tại điều 26 nghị định 15/2018/NĐ-CP thực phẩm phải đăng ký nội dung quảng cáo gồm:
– Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
– Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi (trừ sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo)

Xem thêm: Công bố thực phẩm chức năng

Điều kiện đối với nội dung quảng cáo

Điều kiện về nội dung quảng cáo theo quy định tại nghị định 15/2018/NĐ-CP và nghị định 181/2013/NĐ-CP như sau:

Điều kiện chung
– Có đầy đủ tên thực phẩm; Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường
– Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có);
– Phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm.
– Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
– Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Điều kiện riêng với thực phẩm bảo vệ sức khỏe
– Phải có khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”; chữ viết phải rõ ràng, có màu tương phản với màu nền;
– Quảng cáo trên báo nói, báo hình phải đọc rõ khuyến cáo trên
– Việc quảng cáo trên báo hình, báo nói với thời lượng ngắn dưới 15 giây thì không phải đọc “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”, nhưng phải thể hiện khuyến cáo trong quảng cáo.

Giấy phép QC thực phẩm chức năng
Giấy phép QC thực phẩm chức năng

Hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo

Hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo theo điều 27 nghị định 15/2018/NĐ-CP gồm:
– Đơn đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo (Mẫu số 10 phụ lục I nghị định 15/2018/NĐ-CP)
– Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và Bản công bố sản phẩm đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Mẫu nhãn sản phẩm (bản có xác nhận của tổ chức, cá nhân);
– Ma két (mẫu nội dung) dự kiến quảng cáo
– Đối với nội dung quảng cáo ngoài công dụng, tính năng của sản phẩm ghi trong bản công bố sản phẩm thì phải có tài liệu khoa học chứng minh (bản sao có xác nhận của tổ chức, cá nhân);

Thủ tục xác nhận nội dung quảng cáo

Bước 1: Gửi hồ sơ tới cơ quan cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm;
Bước 2: Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét hồ sơ và trả kết quả. Thời hạn này được tính từ ngày đóng dấu đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ nếu hồ sơ được gửi qua đường bưu điện hoặc ngày hồ sơ hoàn chỉnh được tiếp nhận trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến.
Trong trường hợp không đồng ý với nội dung quảng cáo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý của việc yêu cầu. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung 01 lần.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ sửa đổi, bổ sung, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thẩm định hồ sơ và có văn bản trả lời. Sau 90 ngày làm việc kể từ khi có công văn yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung thì hồ sơ không còn giá trị;

Cơ quan giải quyết: Bộ Y Tế/Sở y tế (tùy trường hợp)

Lệ phí quảng cáo TPCN: 1.100.000 VNĐ/sản phẩm (Thông tư 67/2021/TT-BTC)

Phạt không có xác nhận nội dung quảng cáo TPCN

Trường hợp quảng cáo trước khi có xác nhận nội dung quảng cáo được quy định tại điều 49 nghị định 38/2021/NĐ-CP

Điều 49. Vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Câu hỏi thường gặp

1. Thủ tục xin giấy phép quảng cáo thực phẩm online? Việc cấp phép quảng cáo thực phẩm được thực hiện online tại trang https://nghidinh15.vfa.gov.vn/

2. Tra cứu nội dung quảng cáo TPCN ở đâu? Để tra cứu nội dung quảng cáo thực phẩm khách hàng có thể tra cứu tại địa chỉ https://nghidinh15.vfa.gov.vn/DangKyQuangCao

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan