Con nuôi có được hưởng thừa kế thế vị?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Con nuôi có được hưởng thừa kế không? Con nuôi với con đẻ khác gì nhau trong quan hệ thừa kế? Tư vấn pháp luật về thừa kế cho con nuôi
Tôi được biết thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết sang cho người còn sống. Việc cha mẹ đẻ để lại di sản cho con đẻ được quy định khá chi tiết rõ ràng cũng như các vấn đề thừa kế thế vị trong một số trường hợp mà BLDS quy định. Vậy đối với trường hợp cha mẹ nuôi con nuôi thì người con nuôi có được nhận di sản thừa kế hay không ? Và trong trường hợp nào thì thừa kế thế vị có nhân tố là con nuôi xuất hiện?
Trả lời
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho bộ phận tư vấn pháp luật của chúng tôi. Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi. Theo quy định tại Điều 651, Bộ luật dân sự 2015 thì con nuôi và cha, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau, cụ thể như sau:
Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Xem thêm: Thừa kế thế vị
Đối với trường hợp con nuôi thừa kế thế vị
Pháp luật dân sự quy định về thừa kế thế vị tại điều 215 bộ luật dân sự 2015
Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.
Ngoài ra điều 653 cũng quy định rõ việc thừa kế đối với con nuôi được xác định như con đẻ:
Điều 653. Quan hệ thừa kế giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi và cha đẻ, mẹ đẻ
Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này.
Tại Điều 2 và Điều 24, Luật nuôi con nuôi 2013 quy định như sau :
Điều 2 Mục đích nuôi con nuôi:
Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình”. Do đó, giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi phát sinh đầy đủ quyền và nghĩa vụ với nhau như con đẻ từ thời điểm có sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 24. Hệ quả của việc nuôi con nuôi
1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, con nuôi được quyền thừa kế di sản của cha, mẹ nuôi. Còn đối với trường hợp thừa kế thế vị, theo quan điểm của chúng tôi, con nuôi cũng có quyền được hưởng thừa kế như con đẻ.