Chủ Nhật (28/04/2024)

Thừa kế thế vị? Khái niệm và quy định

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Thừa kế thế vị là gì? Khái niệm về thừa kế thế vị? Quy định về thừa kế thế vị!

Thừa kế thế vị là một trong những trường hợp thừa kế đặc biệt. Trong bài viết này, AZLAW sẽ đưa ra các quy định về thừa kế thế vị.

Thừa kế thế vị là gì?

Theo quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự năm 2015  quy định về thừ kế thế vị như sau

Điều 652. Thừa kế thế vị
Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống

Như vậy, có thể hiểu thừa kế thế vị là một loại thừa kế trong đó cháu sẽ được hưởng phần thừa kế của cha (mẹ) đã chết (nếu còn sống)

Điều kiện hưởng thừa kế thế vị

1. Người thế vị phải là người ở đời sau, nghĩa là chỉ có con được thế vị cha mẹ mà không bao giờ có trường hợp cha, mẹ thế vị cho con. Người được hưởng thừa kế thế vị có thể là con đẻ hoặc con nuôi. Điều 653 có quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”.

2. Thừa kế thế vị chỉ được đặt ra khi người thừa kế chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người để lại di sản.

3. Cháu, chắt của người để lại di sản phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì mới được áp dụng chế định thừa kế thế vị.

Chứng minh đủ điều kiện hưởng thừa kế thế vị

1. Giấy tờ về tài sản, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản
2. Giấy chứng tử của người để lại di sản và con của người để lại di sản
3. Giấy khai sinh của người nhận thừa kế thế vị để chứng minh quan hệ (cha, mẹ, con..)

Các trường hợp được hưởng thừa kế thế vị

1. Cháu thế vị cha hoặc mẹ để hưởng phần di sản của ông bà
2. Chắt thế vị cha, mẹ và ông, bà để hưởng phần di sản của cụ.

Thừa kế thế vị chỉ phát sinh từ thừa kế theo pháp luật mà không phát sinh từ thừa kế theo di chúc. Nếu cha, mẹ chết trước hoặc chết cùng thời điểm với ông, bà hoặc cụ thì phần di chúc định đoạt tài sản cho cha mẹ (nếu có di chúc) sẽ vô hiệu. Phần di sản đó được chia theo pháp luật và lúc này cháu (chắt) mới được hưởng thừa kế thế vị.

Cũng như những người thừa kế khác, người thừa kế thế vị không được hưởng di sản nếu họ từ chối nhận di sản hoặc bị truất quyền hưởng di sản theo quy định tại Điều 620 và Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015.

Hỏi đáp về thừa kế thế vị

Vợ có được thừa kế thế vị không?

Theo quy định về thừa kế thế vị chỉ cho phép hàng thừa kế sau thế vị hàng thừa kế trước. Do vậy vợ sẽ không được hưởng thừa kế thế vị.

Cháu nuôi có được hưởng thừa kế thế vị?

Điều 653 có quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 651 và Điều 652 của Bộ luật này”. Do vậy, trường hợp con có đăng ký nuôi con nuôi hợp pháp thì cháu nuôi vẫn được hưởng thừa kế thế vị

Ví dụ về thừa kế thế vị

Có bạn hỏi: “Bố em mất trước bà nội; lúc bà nội mất không để lại di chúc, vậy em có được hưởng một phần tài sản của bà để lại thay bố không ạ?”
Trong trường hợp này “bà” là người để lại di sản thừa kế do đó sau khi bà chết mà không để lại di chúc thì tài sản sẽ được chia thừa kế theo quy định pháp luật. Do đó theo điểm a khoản 1 điều 651 Bộ luật dân sự 2015 “bố” là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng thừa kế.
Do đó nếu “bố” chết trước bà nội thì theo quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự 2015 trường hợp này sẽ phát sinh thừa kế thế vị do “con của người để lại di sản chết trước người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha được hưởng nếu còn sống”

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan