Trường hợp chia thừa kế theo pháp luật?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Trường hợp nào chia thừa kế theo pháp luật? Có di chúc nhưng vẫn chưa thừa kế theo pháp luật?
Thừa kế là trường hợp người sống được nhận tài sản do người đã mất để lại. Thừa kế được chia ra hai loại là thừa kế theo di chúc và thừa kế theo quy định pháp luật. Trường hợp nào thì xác định thừa kế theo quy định pháp luật? Tại điều 650 Bộ Luật dân sự 2015 có quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật:
Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:
a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;
b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;
c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Không có di chúc: Lập di chúc là quyền của người để lại di sản, do đó họ có thể không thực hiện việc lập di chúc hoặc đã lập di chúc nhưng đã hủy bỏ di chúc (điều 640 Bộ luật dân sự 2015), khi đó di sản của họ sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, nếu người chết có để lại di chúc nhưng di chúc đó đã bị thất lạc hoặc hư hại tới mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc, cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện của người lập di chúc trường hợp này được coi như không có di chúc ( điều 642 Bộ luật dân sự 2015), tài sản cũng được chia theo quy định pháp luật
Di chúc không hợp pháp: Trường hợp người để lại di sản có lập di chúc nhưng di chúc đó không hợp pháp (không đáp ứng đủ điều kiện tại điều 630 Bộ luật dân sự 2015) khi đó di chúc này sẽ không có hiệu lực pháp luật nên không làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc. Nếu di chúc này vô hiệu toàn bộ thì toàn bộ di sản để lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật, di chúc vô hiệu một phần thì phần di sản liên quan tới phần di chúc bị vô hiệu sẽ được chia theo quy định của pháp luật cho các hàng thừa kế.
Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Điều 613 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về người thừa kế như sau:
Điều 613. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Do nếu người thừa kế chết trước hoặc cùng với người lập di chúc đồng nghĩa với việc vào thời điểm mở thừa kế cá nhân đó không còn sống hoặc tồn tại do vậy khi đó di chúc sẽ bị vô hiệu một phần hoặc toàn bộ. Phần di sản liên quan tới phần di chúc này sẽ được chia theo quy định của pháp luật.
Nếu người thừa kế chết mà là con của người để lại di sản thì khi đó cháu của người để lại di sản sẽ được hưởng phần di sản đáng lẽ ra cha hoặc mẹ cháu được hưởng nếu còn sống, còn trong trường hợp người thừa kế không phải là con của người để lại di sản khi đó di sản đáng lẽ ra người này được hưởng sẽ được chia theo hàng thừa kế.
Tổ chức, cơ quan vào thời điểm mở thừa kế đã chấm dứt hoạt động do sáp nhập, hợp nhất hoặc chia tách thì cơ quan, tổ chức mới được sáp nhập, hợp nhất vào hoặc chia tách ra được hưởng phần di sản thừa kế của cơ quan, tổ chức cũ.
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản: Nếu toàn bộ người người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì di sản sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Nếu chỉ một số người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản thì phần di sản liên quan tới những người đó sẽ được chia theo quy định của pháp luật
Phần di sản không được định đoạt trong di chúc, phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật: Trường hợp di chúc chỉ định đoạt một phần di sản thì phần di sản còn lại sẽ được chia theo quy định của pháp luật, đồng nghĩa với phần di sản đó sẽ được chia đều cho những người trong cùng hàng thừa kế. Nếu di chúc có một phần không có hiệu lực thì chỉ phần di sản liên quan đến phần di chúc bị vô hiệu được chia theo pháp luật cho diện và hàng thừa kế của họ. Chẳng hạn như: trường hợp trong di chúc có một phần nội dung không giải thích được nhưng không ảnh hưởng đến các phần còn lại của di chúc thì chỉ phần không giải thích được không có hiệu lực ( điều 648 Bộ luật dân sự 2015). Và phần di sản này sẽ được chia đều cho các hàng thừa kế.