Giá trị pháp lý của ký nháy/ký tắt
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Ký nháy là gì? Trường hợp nào thì dùng ký nháy? Giá trị pháp lý của việc ký nháy có khác so với việc ký thông thường hay không?
Ký nháy được quy định tại điều 9 thông tư 04/2013/TT-BNV như sau:
Điều 9. Kiểm tra văn bản trước khi ký ban hành
1. Người đứng đầu đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về độ chính xác của nội dung văn bản, ký nháy/tắt vào cuối nội dung văn bản (sau dấu ./.) trước khi trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) ký ban hành; đề xuất mức độ khẩn; đối chiếu quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước xác định việc đóng dấu mật, đối tượng nhận văn bản, trình người ký văn bản quyết định.
2. Chánh Văn phòng giúp người đứng đầu cơ quan tổ chức kiểm tra lần cuối và chịu trách nhiệm về thể thức, kỹ thuật trình bày, thủ tục ban hành văn bản của cơ quan, tổ chức (nêu rõ tên cơ quan, tổ chức) và phải ký nháy/tắt vào vị trí cuối cùng ở “Nơi nhận”.
Theo quy định này, người ký nháy chính là người có trách nhiệm kiểm tra, rà soát văn bản trước khi gửi cho lãnh đạo khi ban hành một văn bản nào đó. Riêng với các hợp đồng chữ ký nháy có tác dụng xác nhận (ví dụ trong trường hợp văn bản gồm nhiều trang). Các loại chữ ký nháy thường thấy gồm:
Chữ ký nháy tại các trang trong cùng một văn bản: Dùng để xác nhận tính liền mạch của văn bản và đã được người ký nháy kiểm tra, rà soát nội dung. Tương tự như việc đóng dấu giáp lai để đảm bảo tính liền mạch và liên tục của hồ sơ trách trường hợp bị thay đổi thành nội dung khác.
Chữ ký nháy tại dòng cuối cùng của văn bản: Do người soạn thảo văn bản thực hiện, trong một số trường hợp cơ quan, đơn vị văn bản do cấp dưới thực hiện và gửi cấp trên để duyệt thì sẽ sử dụng chữ ký nháy kiểu này để sau này dễ xem xét trách nhiệm từng bộ phận
Chữ ký nháy tại phần chức danh hoặc nơi nhận: Thể hiện nội dung rà soát và kiểm tra văn bản trước khi ban hành theo quy định trên.
Về phần đối tượng của thông tư 04/2013/TT-BNV thì đối tượng áp dụng quy định tại điều 1 của văn bản bao gồm: “Thông tư này hướng dẫn xây dựng Quy chế công tác văn thư, lưu trữ; được áp dụng đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế nhà nước và đơn vị vũ trang nhân dân (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức)“.
Nếu để ý các bạn sẽ thấy thường tất cả các văn bản do cơ quan nhà nước ban hành đều có ký nháy. Một số trường hợp như điều lệ công ty cũng có thể cần ký nháy nhưng không bắt buộc.
Đối với thủ tục đăng ký kinh doanh, chữ ký trong hồ sơ bắt buộc phải là chữ ký tươi theo quy định tại điều 43 nghị định 01/2021/NĐ-CP
Điều 43. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử
3. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được chấp thuận khi có đầy đủ các yêu cầu sau:
a) Có đầy đủ các giấy tờ và nội dung các giấy tờ đó được kê khai đầy đủ theo quy định như hồ sơ bằng bản giấy và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Tên văn bản điện tử phải được đặt tương ứng với tên loại giấy tờ trong hồ sơ bằng bản giấy. Người có thẩm quyền ký văn bản đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài hoặc cá nhân khác ký tên trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có thể sử dụng chữ ký số để ký trực tiếp trên văn bản điện tử hoặc ký trực tiếp trên văn bản giấy và quét (scan) văn bản giấy theo các định dạng quy định tại khoản 2 Điều này;