Thứ Ba (19/03/2024)

Thủ tục đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các bài viết của AZLAW, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "azlaw". (Ví dụ: thành lập công ty azlaw). Tìm kiếm ngay

Hướng dẫn hồ sơ, trình tự, thủ tục, lệ phí kết hôn với người nước ngoài theo luật kết hôn nước ngoài mới nhất 2024

Khi người nước ngoài sinh sống và kết hôn với người Việt Nam, việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam sẽ phải tuân theo quy định tại Việt Nam? Vậy các quy định khi đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài là gì?

Hồ sơ kết hôn với người nước ngoài
Làm giấy kết hôn với người nước ngoài

Điều kiện để kết hôn với người nước ngoài

Điều kiện kết hôn với người nước ngoài về cơ bản cũng tương tự như người Việt Nam gồm:
– Đáp ứng độ tuổi kết hôn nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn: giả tạo, vi phạm quy định một vợ, một chồng…

Xem thêm: Độ tuổi kết hôn

Thủ tục đăng ký làm giấy kết hôn với người nước ngoài

Hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài cần chuẩn bị giấy tờ gì?

Hồ sơ được quy định tại khoản 1 điều 38 luật hộ tịch 2014 và điều 30 Nghị định 123/2015/NĐ-CP gồm
– Tờ khai đăng ký kết hôn
– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài: giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp còn giá trị sử dụng hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn theo pháp luật nước đó. Nếu giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân không ghi thời hạn sử dụng thì thời hạn sử dụng của giấy tờ này là 6 tháng kể từ ngày cấp. Tham khảo thêm công văn 840/HTQTCT-HT năm 2019 về cung cấp thông tin liên quan đến giấy tờ được miễn hợp pháp hóa lãnh sự và giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực ban hành
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú hoặc đăng ký tạm trú cấp
– Bản sao chứng minh nhân dân/hộ chiếu (giấy tờ đi lại quốc tế/thẻ cư trú của người nước ngoài đăng ký kết hôn)
Đối với công dân Việt Nam là công chức, viên chức hoặc đang phục vụ trong lực lượng vũ trang thì phải nộp văn bản của cơ quan, đơn vị quản lý xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ti với quy định của ngành đó. Nếu bên kết hôn là công dân Việt Nam đã ly hôn hoặc hủy kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thì còn phải nộp bảo sao trích lục hộ tịch về việc đã ghi vào sổ việc ly hôn hoặc hủy kết hôn.
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú của công dân Việt Nam đăng ký kết hôn.
Lưu ý: các giấy tờ do cơ quan nước ngoài có thẩm quyền cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự

Trình tự đăng ký kết hôn với người nước ngoài

Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký kết hôn theo hướng dẫn tại phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện nơi cư trú của công dân Việt Nam
Bước 2: Giải quyết hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, công chức tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu, thẩm tra về điều kiện kết hôn; xác minh nếu thấy việc kết hôn có thuộc trường hợp giả tạo hay lừa dối. Nếu đủ điều kiện kết hôn, Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét giải quyết. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký 02 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Phòng tư pháp phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho hai bên nam nữ.
Khi đăng ký kết hôn cả hai bên nam, nữ phải có mặt tại trụ sở Ủy ban nhân dân, công chức làm công tác hộ tịch hỏi ý kiến hai bên nam, nữ, nếu các bên tự nguyện kết hôn thì ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn.
Bước 3: Trao giấy chứng nhận cho 2 bên nam nữ.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký, Phòng tư pháp tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ. Việc trao giấy này phải có mặt cả 2 bên nam, nữ.
Lưu ý: Nếu 01 trong 02 bên không thể có mặt cùng lúc để nhận Giấy chứng nhận kết hôn thì có thể đề nghị Phòng Tư pháp gia hạn thời gian trao nhưng tối đa không quá 60 ngày kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Hết thời hạn này mà không đến nhận thì Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hủy Giấy chứng nhận kết hôn đã ký. Sau đó, nếu 2 bên nam, nữ muốn đăng ký kết hôn thì phải tiến hành thủ tục như ban đầu.

Khám sức khoẻ kết hôn với người nước ngoài ở đâu?

Theo quy định khi đăng ký kết hôn với người nước ngoài yêu cầu một trong các giấy tờ gồm: “Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình cho cơ quan đăng ký hộ tịch“. Như vây, trong trường hợp này cơ quan nào có thẩm quyền xác nhận nội dung này?

Về thủ tục, theo quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, trong hồ sơ của hai bên nam, nữ phải có giấy xác nhận của tổ chức y tế chuyên khoa về tâm thần của Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên xác nhận hiện tại đương sự không mắc bệnh tâm thần.

Ở Việt Nam, muốn được khám sức khỏe về tâm thần để kết hôn đương sự liên hệ với các bệnh viện chuyên khoa về tâm thần, trường hợp ở các tỉnh, thành nào không có bệnh viện chuyên khoa về tâm thần thì liên hệ với bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, để được khám theo chỉ định của phòng tư pháp cấp huyện. Dưới đây là một số bệnh viện có thể khám về tâm thần mà khách hàng có thể tham khảo

Tại thành phố Hồ Chí Minh
– Bệnh viện tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh (766, Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5)
– Bệnh viên Chợ Rẫy (201B, Nguyễn Chí Thanh, Phường 12, Quận 5)
Tại Hà Nội
– Bệnh viện tâm thần Hà Nội (Ngõ 467, Nguyễn Văn Linh, Phường Sài Đồng, Quận Long Biên)
– Bệnh viện tâm thần trung ương I (Xã Hòa Bình, huyện Thường Tín)
– Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (Số 4, Hồng Mai, Phường Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng)

Hồ sơ nộp cho bệnh viện bao gồm:
– Tờ khai đăng ký kết hôn;
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân;
– Giấy CMND (tất cả đều là bản phô-tô, khi đi khám xuất trình bản chính giấy CMND) và 4 ảnh (3×4) kèm theo Lệ phí. Trong vòng 1 ngày kể từ thời điểm nộp hồ sơ và thực hiện việc khám, bệnh viện sẽ trả kết quả cho người khám.

Thông thường, chứng chỉ chuyên khoa của các bệnh viện này được cấp có giá trị trong hạn 3 tháng và được sử dụng để đăng ký kết hôn trên cả nước.

Ghi chú kết hôn với người nước ngoài

Ghi chú kết hôn được hiểu đơn giản là công dân Việt Nam đã kết hôn tại nước ngoài (trừ trường hợp kết hôn tại cơ quan đại diện ngoại giao VN) gửi thông báo để cơ quan Tư pháp ở Việt Nam biết việc mình đã kết hôn tại cơ quan có thẩm nguyền tại nước ngoài và công nhận việc kết hôn đó nếu đáp ứng điều kiện của pháp luật Việt Nam.

Điều kiện ghi chú kết hôn với người nước ngoài

Sau khi nhận được hồ sơ xin ghi chú việc đăng ký kết hôn đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài, Cơ quan Tư pháp sẽ xem xét ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn đó nếu như việc kết hôn này đáp ứng được hai điều kiện sau:
– Tại thời điểm kết hôn, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài không vi phạm các điều cấm kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình Việt Nam và đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn (điều kiện về độ tuổi, ý chí của hai bên nam nữ khi đăng ký kết hôn…)
– Việc kết hôn này phải được thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tại nước ngoài. Những trường hợp kết hôn tại cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài thì không cần thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn. Dó đó trước khi làm thủ tục ghi chú kết hôn công dân Việt Nam nên xem xét kỹ cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho mình

Hồ sơ ghi chú kết hôn với người nước ngoài

Căn cứ Điều 35, Nghị định 123/2015/NĐ-CP, khi làm thủ tục ghi chú kết hôn công dân Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
– Tờ khai ghi chú kết hôn theo mẫu quy định
– Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (Bản sao có hợp pháp hoá lãnh sự)
– CMND/Hộ chiếu của Vợ, chồng (Bản sao có chứng thực)
– Sổ hộ khẩu của công dân Việt Nam (Bản sao có chứng thực)

Trình tự giải quyết việc ghi chú kết hôn với người nước ngoài

Cách thức nộp hồ sơ: Công dân Việt Nam có thể nộp hồ sơ ghi chú kết hôn theo hướng dẫn ở trên tại Bộ phận một cửa của UBND cấp quận (huyện) nơi công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện
Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Phòng Tư pháp – UBND cấp quận (huyện) nơi công dân Việt Nam có hộ khẩu thường trú
Thời gian giải quyết: Thời hạn giải quyết ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Phòng Tư pháp tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên những trường hợp cần xác minh (xác minh lại giấy tờ, thông tin mà các bên cung cấp khi kết hôn) thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc

Dịch vụ kết hôn với người nước ngoài

Đối với các trường hợp công dân Việt Nam kết hôn với người nước ngoài thường không nắm rõ các quy định về việc đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài. Do vậy, nếu khách hàng có yêu cầu dịch vụ kết hôn với người nước ngoài có thể liên hệ để được tư vấn và sử dụng dịch vụ. AZLAW sẽ hỗ trợ khách hàng về việc chuẩn bị hồ sơ, khám sức khoẻ tâm thần cho người nước ngoài và hướng dẫn cụ thể các bước để đăng ký kết hôn với người nước ngoài.

Luật về kết hôn với người nước ngoài

Hiện tại, các quy định về việc kết hôn với người nước ngoài được quy định tại Luật hộ tịch 2014; nghị định 123/2015/NĐ-CP và thông tư 04/2020/TT-BTP

Hỏi đáp về kết hôn với người nước ngoài

1. Phỏng vấn khi kết hôn với người nước ngoài? Trước đây theo quy định cũ tại nghị định 126/2014/NĐ-CP tuy nhiên nghị định 123/2015/NĐ-CP đã bãi bỏ các nội dung này của nghị định 126/2014/NĐ-CP do vậy hiện tại sẽ không cần phỏng vấn. Tuy nhiên cán bộ tư pháp sẽ hỏi để xác định việc hai bên kết hôn tự nguyện.
2. Lệ phí kết hôn với người nước ngoài? Theo quy định tại thông tư 179/2015/TT-BTC sửa đổi thông tư 02/2014/TT-BTC lệ phí kết hôn với người nước ngoài không quá 1.500.000 VNĐ. Ghi vào Sổ hộ tịch việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Không quá 75.000 đồng

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan