Thứ sáu (04/10/2024)

Mức phạt khai khống vốn điều lệ?

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.

Khai khống vốn điều lệ là gì? Mức phạt đối với khai khống vốn điều lệ là bao nhiêu tiền?

Hiện nay nghị định 122/2021/ND-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã có hiệu lực từ 1/1/2022 thay thế cho Nghị định 50/2016/ND-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư trong đó có khái niệm mới đó là “khai khống vốn điều lệ“.

Khai khống vốn điều lệ là gì?

Để hiểu rõ được về khai khống vốn điều lệ, đầu tiên ta phải hiểu vốn điều lệ là gì? Các bạn có thể tham khảo tại bài viết “vốn điều lệ là gì” theo đó hiểu đơn giản vốn điều lệ là số tiền mà các cổ đông, thành viên công ty sẽ góp vào khi đăng ký kinh doanh. Thực tế, việc góp vốn điều lệ có thể thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày được cấp đăng ký kinh doanh. Tại nghị định 122/2021/NĐ-CP có 3 trường hợp phạt liên quan tới vốn điều lệ như sau:

Điều 44. Vi phạm về thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Cảnh cáo đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 30 ngày.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 31 ngày đến 90 ngày.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm thời hạn đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này trong trường hợp chưa đăng ký thay đổi theo quy định;
b) Buộc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.

Điều 46. Vi phạm về thành lập doanh nghiệp
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Không thực hiện thủ tục điều chỉnh vốn hoặc thay đổi thành viên, cổ đông sáng lập theo quy định tại cơ quan đăng ký kinh doanh khi đã kết thúc thời hạn góp vốn và hết thời gian điều chỉnh vốn do thành viên, cổ đông sáng lập không góp đủ vốn nhưng không có thành viên, cổ đông sáng lập nào thực hiện cam kết góp vốn;

Điều 47. Vi phạm về kê khai vốn điều lệ
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị dưới 10 tỷ đồng.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 10 tỷ đồng đến dưới 20 tỷ đồng.
3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 20 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng.
4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 50 tỷ đồng đến dưới 100 tỷ đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi kê khai khống vốn điều lệ có giá trị từ 100 tỷ đồng trở lên.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng với số vốn thực góp đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 và khoản 5 Điều này.

Hành vi vi phạm về thời hạn thay đổi đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định, việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp phải thực hiện trong vòng 10 ngày kể từ ngày có thay đổi. Đối với trường hợp không góp đủ vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có 30 ngày để thực hiện điều chỉnh vốn, quá thời gian này nếu doanh nghiệp chưa điều chỉnh vốn sẽ bị xử phạt theo điều 44 nghị định 122/2021/NĐ-CP

Ví dụ: Doanh nghiệp thành lập ngày 01/01/2022 đến ngày 31/03/2022 là ngày kết thúc thời hạn góp vốn, doanh nghiệp có nghĩa vụ điều chỉnh vốn muộn nhất vào ngày 30/04/2022. Sau ngày này, nếu doanh nghiệp điều chỉnh vốn sẽ bị xử phạt do vi phạm thời hạn thay đổi đăng ký doanh nghiệp

Xem thêm: Giảm vốn điều lệ

Hành vi không thực hiện điều chỉnh vốn khi kết thúc thời hạn góp vốn

Khi kết thúc thời hạn góp vốn, việc điều chỉnh vốn theo con số thực tế là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Do vậy, trường hợp khi bị thanh tra, kiểm tra mà doanh nghiệp chưa thực hiện điều chỉnh sẽ bị xử phạt vì hành vi không thực hiện điều chỉnh vốn theo điều 46 nghị định 122/2021/NĐ-CP

Ví dụ: Doanh nghiệp thành lập ngày 01/01/2022 đến ngày 31/03/2022 là ngày kết thúc thời hạn góp vốn, doanh nghiệp có nghĩa vụ điều chỉnh vốn muộn nhất vào ngày 30/04/2022. Khi doanh nghiệp bị thanh tra và phát hiện chưa thực hiện điều chỉnh vốn sẽ bị phạt do không thực hiện điều chỉnh vốn khi kết thúc thời hạn góp vốn

Hành vi khai khống vốn điều lệ

“Khai khống” không được định nghĩa tại luật doanh nghiệp 2020 tuy nhiên tại điều 16 luật doanh nghiệp 2020 có quy định:

Điều 16. Các hành vi bị nghiêm cấm
4. Kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
5. Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.

Theo quy định trên, có thể thấy khai khống vốn điều lệ được hiểu là việc vốn điều lệ không có thực, doanh nghiệp tự kê khai để đăng ký kinh doanh. Có thể hiểu khai khống vốn điều lệ là việc ghi nhận thông tin vốn điều lệ trái với thực tế góp vốn (khác với việc chậm thay đổi ĐKKD giảm vốn). Ví dụ trên ĐKKD, sổ sách kế toán, phiếu thu ghi nhận 10 tỷ, nhưng thực tế chưa tiến hành góp vốn.

Trên thực tế, khi thực hiện xử phạt việc xác minh khai khống vốn điều lệ do cơ quan thanh tra có nghĩa vụ chứng minh. Vì vậy theo AZLAW việc xử phạt đối với hành vi khai khống vốn điều lệ sẽ chủ yếu được áp dụng đối với một số trường hợp như đối với nhà đầu tư nước ngoài hoặc một số trường hợp bắt buộc góp vốn không dùng tiền mặt. Nếu không, việc khai khống vốn điều lệ có thể bị gây nhầm lẫn với hành vi vi phạm thời hạn thay đổi ĐKDN hoặc không thực hiện điều chỉnh vốn khi kết thúc thời hạn góp vốn. Vì vậy, thực tế cần làm rõ như thế nào là khai khống vốn điều lệ.

1. Vốn điều lệ công ty tối thiểu là bao nhiêu tiền? Hiện tại, pháp luật không quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu. Tuy nhiên, thực tế việc ghi nhận vốn điều lệ theo năng lực của chủ sở hữu công ty và ước tính chi phí thực hiện hoạt động kinh doanh một cách bình thường.

2. Có thể giảm vốn điều lệ về mức thực tế hay không? Vốn điều lệ nếu khai quá cao mà trong thời gian điều chỉnh vốn thì vẫn có thể điều chỉnh theo quy định mà không bị phạt. Tuy nhiên, cần lưu ý về thời hạn góp vốn trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan