Thứ Ba (19/03/2024)

Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc

Mẹo nhỏ: Để tìm kiếm chính xác các bài viết của AZLAW, hãy search trên Google với cú pháp: "Từ khóa" + "azlaw". (Ví dụ: thành lập công ty azlaw). Tìm kiếm ngay

Xác định quyền sở hữu đối với gia súc thất lạc, tư vấn nhận vật nuôi thất lạc. Nhặt được vật nuôi thất lạc phải làm sao?

Nhà tôi ở gần mặt đường, một buổi sáng nọ, khi mở cửa để đi làm thì tôi phát hiện một chú chó giống Nhật đang nằm bên lề đường, trên mình đầy những vết thương, có vẻ như nó đang trong tình trạng nguy kịch, có vẻ như nó đã cố vùng vẫy khi thoát khỏi những người trộm chó. Thấy thương, tôi đã đưa con chó vào trong nhà, băng bó vết thương và chăm sóc cho nó. Vì đã từng có kinh nghiệm chăm sóc chó nên chỉ sau 10 ngày con chó đã hoàn toàn bình phục, tuy nhiên nó lại không chịu đi đâu, cứ ở mãi trong nhà tôi. Vì không biết chó của ai, lại nghĩ người mất chó chắc cũng sốt ruột, nên sau khi đi hỏi khắp lượt hàng xóm mà không có kết quả, tôi đã lên Ủy ban nhân dân xã để tìm lại chủ cho con chó bị thất lạc. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục giữ lại con chó để nuôi. Ba tháng sau, con chó kia để ra 4 con chó con, sau khi con chó con lớn hơn một chút, tôi đã có bán lại cho hàng xóm 2 con. Vài tháng sau đó, thì Ủy ban tìm được chủ của chú chó, và người chủ đó đã tới xin tôi trả lại con chó của mình. Cho tôi hỏi, tôi có phải trả lại con chó trên hay không? Và chủ của con chó trên có được quyền đòi lại mấy con chó con mà con chó của mình sinh ra trong thời gian nó đi lạc hay không?

Trả lời:

Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 231 Bộ luật dân sự năm 2015 về xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc. Theo đó

Điều 231. Xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc
1. Người bắt được gia súc bị thất lạc phải nuôi giữ và báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Sau 06 tháng, kể từ ngày thông báo công khai hoặc sau 01 năm đối với gia súc thả rông theo tập quán thì quyền sở hữu đối với gia súc và số gia súc được sinh ra trong thời gian nuôi giữ thuộc về người bắt được gia súc.
2. Trường hợp chủ sở hữu được nhận lại gia súc bị thất lạc thì phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác cho người bắt được gia súc. Trong thời gian nuôi giữ gia súc bị thất lạc, nếu gia súc có sinh con thì người bắt được gia súc được hưởng một nửa số gia súc sinh ra hoặc 50% giá trị số gia súc sinh ra và phải bồi thường thiệt hại nếu có lỗi cố ý làm chết gia súc.

Theo quy định này thì, sau 6 tháng, kể từ ngày bạn lên Ủy ban nhân dân cấp xã để thông báo công khai thì quyền sở hữu con chó Nhật bị thất lạc và số chó con được sinh ra trong thời gian bạn bắt được sẽ thuộc về bạn.

Thứ hai, theo như thông tin bạn đưa ra thì, bạn đã tiếp tục nuôi giữ con chó thất lạc kia. Và ba tháng sau, con chó kia đã đẻ ra 4 con chó con, và khi chó con lớn hơn một chút thì bạn đã bán lại cho hàng xóm 2 con. Và vài tháng sau, thì Ủy ban nhân dân xã đã tìm được chủ con chó và họ đã đến yêu cầu bạn trả lại con chó bị thất lạc. Về trường hợp này của bạn, thì sẽ xảy ra hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Ủy ban nhân dân xã tìm được chủ của con chó trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày thông báo công khai về con chó bị thất lạc:
Với trường hợp này, thì theo quy định của pháp luật, bạn phải trả lại con chó cho chủ của nó, đồng thời phải trả lại một nửa số chó con được sinh ra (tức 2 con chó con) hoặc 50% giá trị số chó con được sinh ra trong thời gian bạn nuôi giữ con chó thất lạc kia. Còn chủ của con chó sẽ phải thanh toán tiền công nuôi giữ và các chi phí khác liên quan đến con chó cho bạn.
Và ngoài ra, nếu như hai con chó con kia đã được bạn bán trong thời gian 6 tháng này thì hành vi của bạn là vi phạm pháp luật. Bởi lẽ theo quy định tại Điều 231 BLDS nêu trên thì sau thời gian 6 tháng kể từ khi thông báo công khai gia súc thất lạc, nếu không tìm được chủ của con chó thì lúc đó bạn là chủ sở hữu của con chó Nhật đó và số chó con được sinh ra trong thời gian bạn chăm sóc, và lúc đó bạn mới có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của mình. Tuy nhiên, khi chưa hết thời gian 6 tháng thì con chó Nhật đó vẫn thuộc sở hữu của người khác, và bạn chỉ là người chiếm giữ tài sản của người khác, do vậy bạn không có quyền bán tài sản thuộc sở hữu của người khác khi chưa được họ ủy quyền hoặc cho phép. Chính vì vậy, trong trường hợp này, việc làm của bạn là trái pháp luật. Và do vậy, khi chủ của con chó bị thất lạc đến yêu cầu bạn trả con chó, với hành vi vi phạm pháp luật là việc bán 2 con chó con khi bạn chưa có quyền sở hữu con chó thì bạn có thể thỏa thuận cùng chủ con chó về các khoản chi phí trong đó có cả khoản bồi thường đối với hành vi vi phạm của mình.

Trường hợp thứ hai: Ủy ban tìm được chủ của con chó, và họ đến yêu cầu bạn trả lại con chó khi đã quá thời hạn 6 tháng theo quy định của pháp luật, thì lúc này bạn không có trách nhiệm trả lại con chó cho chủ sở hữu cũ.  Bởi lẽ, như đã phân tích nêu trên thì sau thời hạn 6 tháng kể từ ngày thông báo công khai về con chó Nhật bị thất lạc, thì quyền sở hữu con chó cũng như số chó con được sinh ra trong thời gian bạn nuôi giữ sẽ thuộc về bạn (theo quy định tại khoản 1 Điều 231 BLDS). Và do vậy, bạn không cần trả lại con chó – tài sản đã thuộc sở hữu của mình.
Cũng chính bởi vậy, nếu bạn bán hai con chó con kia sau thời gian 6 tháng nêu trên thì việc bạn bán là hợp pháp, bởi lẽ, lúc này bạn đã có quyền sở hữu đối với chú chó Nhật kia và những con chó con. Và do vậy bạn hoàn toàn có thể thực hiện quyền bán tài sản của mình – một trong những quyền của chủ sở hữu theo quy định tại Điều 194 BLDS thì “chủ sở hữu có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản”.
Bên cạnh đó, giả sử như chú chó được thả rông theo tập quán thì thời hạn theo pháp luật qu định là 1 năm (theo Khoản 1 Điều 231 BLDS), và trong thời hạn 1 năm kể từ ngày thông báo công khai về gia súc bị thất lạc mà không tìm được chủ sở hữu thì gia súc đó thuộc về người phát hiện. Tuy nhiên, xét trường hợp của bạn thì chó của bạn là giống chó Nhật, khá là đắt tiền nên thông thường sẽ không được thả rông theo tập quán nên thời hạn ở đây chỉ là 6 tháng như đã nêu trên.

Như vậy, bạn có quyền thỏa thuận mua lại con chó của chủ cũ, nếu chủ cũ không bán và có căn cứ sở hữu đối với con cho này thì bạn sẽ phải trả lại cho họ. Tuy nhiên, bạn có thể yêu cầu các chi phí liên quan đến việc nuôi dưỡng chăm sóc cho chú chó.

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan