Thủ tục cải chính hộ tịch
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Cải chính hộ tịch là gì? Trường hợp nào thì cần cải chính hộ tịch? Thủ tục, hồ sơ, thời gian cải chính hộ tịch là bao lâu?
Nội dung bài viết
- 1 Cải chỉnh hộ tịch là gì?
- 2 Cải chính hộ tịch về ngày, tháng, năm sinh
- 3 Cải chính lại tên cha mẹ trên giấy khai sinh cho con?
- 4 Về thẩm quyền đăng ký cải chính tên cha mẹ trên giấy khai sinh
- 5 Về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
- 6 Giấy tờ bà phải xuất trình khi đăng ký nhận con
- 7 Giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục cải chính tên cha mẹ
- 8 Về thủ tục cải chính hộ tich
- 9 Về thẩm quyền cải chính hộ tịch
Cải chỉnh hộ tịch là gì?
Cải chính hộ tịch là việc thay đổi lại các thông tin đăng ký hộ tịch do nhầm lẫn, sai sót…thường là các thông tin trên giấy khai sinh như tên, ngày, tháng, năm sinh, thông tin cha, mẹ…
Cải chính hộ tịch về ngày, tháng, năm sinh
Xin chào luật sư tư vấn, tôi có thắc mắc mong luật sư tư vấn giúp: 2 tháng trước tôi đi đăng ký khai sinh cho con tôi, khi nhận được giấy từ cán bộ xã tôi cũng không chú ý bây giờ tôi phát hiện ngày tháng năm sinh trên giấy khai sinh của con tôi bị ghi sai, vậy tôi có thể xin cấp lại giấy khai sinh cho con tôi được không?
Trả lời
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về AZLAW, để được đăng ký lại khai sinh thì cần phải đáp ứng điều kiện (điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP):
– Việc đăng ký được thực hiện trước ngày 01/01/2016 tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền
– Bản chính giấy khai sinh và sổ hộ tịch bị mất
Do đó, trường hợp giấy khai sinh của con bạn bị sai thông tin về ngày tháng năm sinh không phải bị mất cho nên trường hợp này bạn không thể thực hiện thủ tục đăng ký lại khai sinh. Điều 6, 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định như sau:
Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh
1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
Điều 7. Điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch
1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.
2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Theo quy định này giấy khai sinh chính là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Trường hợp muốn sửa đổi thông tin trên giấy khai sinh ( tức cải chính hộ tịch) thì cần đáp ứng điều kiện sau:
– Sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc sai sót do lỗi của người yêu cầu đăng ký hộ tịch
– Có căn cứ để chứng minh để xác định có sai sót đó.
Do vậy, trong trường hợp giấy khai sinh của con bạn bị sai về ngày tháng năm sinh, nếu có các giấy tờ chứng minh về việc sai sót ( Ví dụ: giấy chứng sinh, giấy xác nhận của người làm chứng…) bạn có thể thực hiện thủ tục cải chính thông tin trên giấy khai sinh. Điều 28 Luật hộ tịch có quy định về việc thực hiện thủ tục như sau:
– Người có yêu cầu thực hiện nôp hồ sơ cho cơ quan đăng ký hộ tịch ( trường hợp của bạn thực hiện nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân xã đăng ký khai sinh cho con)
– Nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp cải chính thông tin liên quan tới giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, công chức tư pháp- hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn. Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc ( nếu cần xác minh thông tin thời gian giải quyết tối đa là 06 ngày làm việc). Như vậy, trường hợp khi bạn cải chính thông tin ngày tháng năm sinh của con trên giấy khai sinh bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch
– Bản chính giấy khai sinh của con bạn
– Các giấy tờ liên quan làm căn cứ chứng minh ngày tháng năm sinh của con bạn trên giấy khai sinh là không đúng (giấy chứng sinh, giấy xác nhận của người làm chứng …)
Cải chính lại tên cha mẹ trên giấy khai sinh cho con?
Năm 1987, tôi sinh được một người con trai. Lúc đó vì hoàn cảnh riêng nên tôi đã phải nhờ vợ chồng người chị đứng tên cha mẹ trên giấy khai sinh cho con. Do đó, con trai tôi mang họ Vũ, là họ của anh rể. Dù nhờ vợ chồng chị đứng tên cha mẹ cho con trên giấy khai sinh nhưng trên thực tế, tôi vẫn một mình nuôi con khôn lớn. Nay, tôi muốn cải chính lại tên cha mẹ trên giấy khai sinh của con cho đúng sự thật. Cha đẻ của con trai tôi mang họ Nguyễn. Ý định này của tôi được tất cả người thân ủng hộ, kể cả vợ chồng người chị. Tuy nhiên, con trai tôi lại không muốn cải chính theo họ của cha đẻ. Thời điển hiện tại, tôi đã có cháu nội là cháu trai 3 tuổi. Con trai chỉ đồng ý cho cháu tôi mang họ Nguyễn. Để thực hiện mong muốn của mình, tôi phải làm thế nào? Mong Luật sư tư vấn giúp tôi?
Trả lời
Với mong muốn của bà, tôi xin được tư vấn như sau: Đầu tiên, bà cần thực hiện thủ tục đăng ký nhận con để có thể điền đầy đủ thông tin của cha mẹ trong giấy khai sinh của con. Việc đăng ký nhận con được quy định như sau:
Về thẩm quyền đăng ký cải chính tên cha mẹ trên giấy khai sinh
Điều 24 Luật Hộ tịch về Thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con quy định: “Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con”.
Như vậy, theo các quy định đã dẫn chiếu ở trên thì cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con trong trường hợp của bà sẽ là UBND xã nơi cư trú của bà hoặc nơi con bà hiện đang cư trú.
Về thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 quy định như sau:
Điều 25. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con
1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con được quy định tại Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
Điều 14. Chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con
Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
2. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều này thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Như vậy, để đăng ký nhận con, bà thực hiện theo các thủ tục đã quy định ở trên. Vì việc nhận lại con của bà được tất cả người thân ủng hộ, kể cả vợ chồng người chị nên sẽ dễ dàng hơn. Và theo quy định bà cần phải có các giấy tờ sau:
Giấy tờ bà phải xuất trình khi đăng ký nhận con
- Hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của bà;
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú để chứng minh thẩm quyền đăng ký nhận cha, mẹ, con.
Giấy tờ cần thiết khi làm thủ tục cải chính tên cha mẹ
- Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con theo mẫu
- Giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao) của người con;
- Giấy tờ, đồ vật hoặc chứng cứ khác chứng minh quan hệ cha, con hoặc quan hệ mẹ, con, chẳng hạn như kết quả giám định AND hoặc các giấy tờ, đồ vật hay chứng cứ khác.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ trên, bà nộp hồ sơ gồm các giấy tờ phải nộp ở trên tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã nơi cư trú của bà hoặc của con bà. Kết quả sẽ được trả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND cấp xã.
Sau khi có Quyết định nhận cha, mẹ, con của UBND xã, bà phải làm thủ tục cải chính hộ tịch vì phần khai về cha, mẹ trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh của con bà đã ghi tên của vợ chồng chị gái.
Về thủ tục cải chính hộ tich
Thủ tục cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Về thẩm quyền cải chính hộ tịch
Khoản 3, Điều 46 Luật Hộ tịch 2014 quy đình: “3. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.
Vì con bà giờ đã lớn hơn 14 tuổi nên thẩm quyền cải chính hộ tịch cho bà sẽ thuộc về UBND cấp huyện. Bà sẽ đến UBND cấp huyện nơi trước đây đã cấp giấy khai sinh cho con bà trước đây để làm tờ khai theo mẫu quy định và nộp giấy tờ liên quan.
Còn đối với mong muốn đổi lại họ của con từ họ Vũ (họ của anh rể bà) sang họ Nguyễn (họ cha đẻ của con bà):
Tôi xin trả lời luôn, vì con bà không đồng ý đổi họ nên mong muốn này của bà sẽ không thể thực hiện được. Cơ sở pháp lý là Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ–CP. Cụ thể:
Khoản 1, Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ–CP quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch thì: “Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”.
Mong muốn thay đổi họ cho con của bà được người thân ủng hộ, kể cả vợ chồng người chị gái nên theo quy định trên thì bà chỉ cần được sự đồng ý của con nữa là xong vì con bà giờ đã lớn hơn 9 tuổi. Tuy nhiên, con bà lại không muốn thay đổi họ nên mong muốn này của bà sẽ không thực hiện được. Để thực hiện mong muốn của mình, trước tiên bà phải thuyết phục được con bà đồng ý đổi họ. Nếu không được sự đồng ý của con bà thì bà sẽ không thể thực hiện được.