Mức cấp dưỡng cho con chưa thành niên?
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Quy định về mức cấp dưỡng nuôi con? Mức cấp dưỡng nuôi con bao nhiêu thì phù hợp. Hướng dẫn xác định mức cấp dưỡng
Nội dung bài viết
Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ đối với con là nghĩa vụ của cha mẹ sau khi ly hôn đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình khi con không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Cấp dưỡng là gì?
Theo quy định tại điều 110 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng như sau:
Điều 107. Nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.
2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Như vậy, cha mẹ chỉ phải cấp dưỡng cho con trong trường hợp không sống chung hoặc sống chung nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi con cụ thể:
– Con chưa thành niên
– Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản tự nuôi mình
Các tính tiền cấp dưỡng
Mức cấp dưỡng nuôi con cụ thể là bao nhiêu tiền? Căn cứ vào đâu để xác định mức cấp dưỡng. Theo quy định tại điều 116 Luật hôn nhân gia đình:
Điều 116. Mức cấp dưỡng
1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Hiện tại không có quy định cụ thể về mức cấp dưỡng là bao nhiêu. Trước đây, theo khoản 1 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 03/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (Nghị định 70/2001/NĐ-CP) thì “khả năng thực tế của người có nghĩa cấp dưỡng là người có thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó”.
Còn theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 70/2001/NĐ-CP thì “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú, bao gồm các chi phí thông thường cần thiết về ăn, ở, mặc, học, khám chữa bệnh và các chi phí thông thường cần thiết khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng”.
Tuy nhiên, với những quy định như vậy, rất khó để tòa án có thể tính toán được thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng cũng như tính toán nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Từ vướng mắc trong thực tiễn như vậy, Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hướng dẫn như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Thực tiễn giải quyết tại các tòa án trước đây và hiện tại thường vận dụng quy định tại khoản 2, phần III của Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao, cụ thể là “Tòa án phải xem xét đến khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người phải đóng góp phí tổn cũng như khả năng kinh tế nói chung và thu nhập nói riêng của người nuôi dưỡng con. Trong đó mức đóng góp phí tổn nuôi dưỡng, giáo dục con tối thiểu không dưới 1/2 (một phần hai) mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm xét xử sơ thẩm đối với một người con” để làm căn cứ giải quyết.
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng các hướng dẫn tại Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao không còn hiệu lực thi hành và không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, cho nên tòa án căn cứ vào hướng dẫn của các văn bản này để quyết định mức cấp dưỡng thông thường là bằng ½ tháng lương cơ sở là không đúng quy định pháp luật. Điều này dẫn đến thực tế là mức cấp dưỡng theo quyết định của tòa án không đáp ứng được chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng con chưa thành niên. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, do hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao về xác định mức cấp dưỡng nên tòa án cần vận dụng tinh thần của các văn bản trước đây mà cụ thể là Công văn số 24/1999/KHXX ngày 17/3/1999 của Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xem xét giải quyết về mức cấp dưỡng nuôi con. Hiện tại theo nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP quy định mức cấp dưỡng như sau:
Điều 7. Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 của Luật Hôn nhân và gia đình
1. Trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng thì Tòa án giải thích cho họ việc yêu cầu cấp dưỡng cho con là nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện nuôi dưỡng và việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện thì Tòa án không buộc bên kia phải cấp dưỡng cho con.
2. Tiền cấp dưỡng cho con là toàn bộ chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của con và do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì Tòa án quyết định mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Mức cấp dưỡng do Tòa án quyết định nhưng không thấp hơn một nửa tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng đối với mỗi người con.
3. Trường hợp các bên không thỏa thuận được phương thức cấp dưỡng thì Tòa án quyết định phương thức cấp dưỡng hàng tháng hoặc phương thức khác phù hợp với nhu cầu, lợi ích của con và điều kiện kinh tế của người cấp dưỡng.
4. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình phát sinh kể từ thời điểm cha, mẹ không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Thực tế xét xử hiện, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động từ 20-30% mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Trong trường hợp không xác định được mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì lương tối thiểu vùng sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.
Phương thức cấp dưỡng
Về phương thức cấp dưỡng: Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết (Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).
Trốn tránh cấp dưỡng
Trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng mà trốn tránh thực hiện nghĩa vụ thì có thể bị khởi kiện ra Tòa theo quy định tại khoản 2 điều 107 Luật hôn nhân gia đình 2014. Theo đó, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được cấp dưỡng; người thân thích; cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; hội liên hiệp phụ nữ có quyền yêu cầu Tòa án yêu cầu người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.
Trường hợp sau khi Tòa án đã giải quyết nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn không tự giác thực hiện nghĩa vụ theo bản án còn có thể bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020/NĐ-CP.
Điều 64. Hành vi vi phạm quy định trong lĩnh vực thi hành án dân sự
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
Ngoài ra,hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại điều 186 bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
Điều 186. Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 380 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm
Không có đăng ký kết hôn có phải cấp dưỡng không?
Theo quy định tại điều 15, 16 Luật hôn nhân gia đình quy định về trách nhiệm của cha, mẹ với con không phụ thuộc vào đăng ký kết hôn do vậy nếu không có ĐKKH thì nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn diễn ra bình thường
Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều 68. Bảo vệ quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con
2. Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.