Cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ của AZLAW để được hỗ trợ và tư vấn MIỄN PHÍ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc liên hệ dịch vụ qua Zalo tại đây.
Hiện nay tôi đang là chủ sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân. Nay tôi đang có ý định cho người khác thuê lại doanh nghiệp tư nhân của mình
Hiện nay tôi đang là chủ sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân. Nay tôi đang có ý định cho người khác thuê lại doanh nghiệp tư nhân của mình. Vì còn nhiều điều thắc mắc nên tôi muốn hỏi 2 vấn đề chính như sau:
1. Tôi có thể cho người khác thuê doanh nghiệp tư nhân của mình không? Và trình tự thủ tục như thế nào?
2. Ngoài ra tôi có nghe nói, khi cho thuê thì phải lập hợp đồng cho thuê doanh nghiệp có công chứng chứng thực.
Vậy tôi muốn hỏi thêm ở đây là hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân về bản chất là hợp đồng cho thuê tài sản hay cho thuê quyền tài sản? Và giả sử khi hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân đã được ký kết và thực hiện, thì trong trường hợp này ai sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty?
Trả lời:
Thứ nhất, bạn là chủ sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân. Vậy bạn có quyền cho người khác thuê lại doanh nghiệp tư nhân của mình hay không? Và nếu có thì trình tự, thủ tục được thực hiện như thế nào? Theo thông tin bạn đưa ra thì, bạn hiện đang là chủ sở hữu của một doanh nghiệp tư nhân. Theo quy định tại điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân
1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, theo quy định của pháp luật thì chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với tất cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó có hoạt động cho thuê doanh nghiệp. Về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân, pháp luật hiện hành cũng có quy định cụ thể tại Điều 191 Luật doanh nghiệp năm 2020 thì:
Điều 191. Cho thuê doanh nghiệp tư nhân
Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực. Trong thời hạn cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của chủ sở hữu và người thuê đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân được quy định trong hợp đồng cho thuê.
Căn cứ vào quy định tại Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên, có thể khẳng định, bạn có quyền cho thuê toàn bộ doanh nghiệp tư nhân của mình, nhưng phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành. Cụ thể, trình tự, thủ tục thực hiện như sau:
Bước 1: Đầu tiên, bạn là chủ doanh nghiệp tư nhân (tức là bên cho thuê) sẽ phải cùng bên thuê ký hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân, và sau đó đem hợp đồng này đi công chứng. Hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân về bản chất sẽ giống như một hợp đồng dân sự, trong đó thể hiện quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của các bên, mà ở đây là bên cho thuê và bên thuê.
Bước 2: Sau khi ký kết hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân (là bạn) hoặc người đại diện theo ủy quyền thực hiện thủ tục thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao hợp đồng cho thuê có công chứng đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hợp đồng cho thuê có hiệu lực thi hành.
Việc gửi thông báo cho thuê doanh nghiệp tư nhân đến Cơ quan đăng ký kinh doanh được quy định cụ thể tại khoản 4 Điều 60 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ta, bạn hoặc người đại diện theo ủy quyền có thể nộp trực tiếp theo quy định tại Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử.
Thành phần hồ sơ sẽ bao gồm các giấy tờ sau:
– Thông báo về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân
– Hợp đồng cho thuê có công chứng
Bước ba, Sau khi nhận Thông báo, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và bổ sung, thay đổi thông tin của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy xác nhận về việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân cho doanh nghiệp.
Xem thêm: Bán doanh nghiệp tư nhân
Thứ hai, về thắc mắc của bạn, hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân về bản chất là hợp đồng cho thuê tài sản hay cho thuê quyền tài sản? Và khi hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân đã được ký kết và thực hiện, thì trong trường hợp này ai là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân đó?
Trước hết có thể hiểu rằng, cho thuê doanh nghiệp được hiểu là việc chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp cho người khác trong một thời gian nhất định để khi một khoản tiền nhất định gọi là tiền thuê. Và từ khái niệm chung của hợp đồng được quy định cụ thể tại Bộ luật dân sự 2015, có thể thấy hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân cũng là một loại hợp đồng dân sự ghi nhận “sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự” (Điều 388 Bộ luật dân sự 2015).
Vậy hợp đồng thuê doanh nghiệp tư nhân, về bản chất là hợp đồng cho thuê tài sản hay là hợp đồng cho thuê quyền tài sản.
Về khái niệm quyền tài sản, Bộ luật dân sự 2015 có nêu rõ: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ“. Đồng thời, bộ luật này cũng có quy định cụ thể về khái niệm tài sản: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản” (Điều 163 Bộ luật dân sự 2015). Như vậy, có thể thấy từ hai khái niệm nêu trên có thể thấy, quyền tài sản cũng chính là tài sản. Do vậy hợp đồng cho thuê quyền tài sản cũng mang bản chất của một hợp đồng thuê tài sản.
Hợp đồng thuê tài sản “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng phải trả tiền thuê“.
Từ những căn cứ nêu trên, xét thấy, từ khái niệm doanh nghiệp tư nhân được quy định cụ thể tại Điều 191 Luật doanh nghiệp 2020 nêu trên, có thể thấy, chủ doanh nghiệp tư nhân là chủ sở hữu duy nhất của doanh nghiệp tư nhân, đồng thời, không tách bạch giữa tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân với tài sản của doanh nghiệp. Và do vậy, từ tính chất của chủ sở hữu nên doanh nghiệp tư nhân được coi như một tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, hợp đồng cho thuê doanh nghiệp tư nhân cũng mang bản chất của một hợp đồng thuê tài sản, theo đó, bên thuê sẽ có quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp tư nhân để thực hiện hoạt động kinh doanh hoặc những hoạt động khác trong một thời gian nhất định.
Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không chỉ có tư cách là tài sản thuộc sở hữu của chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân, mà còn có tư cách pháp lý của một doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp 2014. Nó có mối quan hệ với các đối tác kinh doanh khác và với các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính bởi vậy, trong mối quan hệ cho thuê tài sản (tài sản ở đây là doanh nghiệp tư nhân), nó cũng có những đặc điểm riêng, mang tính đặc thù so với quan hệ cho thuê tài sản thông thường.
Cụ thể, theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, nếu như trong mối quan hệ cho thuê tài sản thông thường, bên thuê phải chịu trách nhiệm với những rủi ro trong quá trình sử dụng tài sản thuê, trừ những trường hợp rủi ro, thiệt hại đối với tài sản thuê mà do lỗi của bên cho thuê (Điều 485 Bộ luật dân sự 2015). Bên thuê phải bảo quản tài sản thuê như tài sản của chính mình, nếu làm mất mát, hư hỏng thì phải bồi thường (khoản 1 Điều 487 BLDS). Bên thuê phải trả lại tài sản thuê trong tình trạng như khi nhận, trừ hao mòn tự nhiên, hoặc theo đúng như tình trạng đã thỏa thuận.Bên thuê phải chịu rủi ro xảy ra đối với tài sản thuê trong thời gian chậm trả (Khoản 5 Điều 490 BLDS 2015). Có thể thấy, như những phân tích nêu trên thì bên thuê phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những rủi ro hay những mất mát xảy ra trong quá trình thuê tài sản, trừ những trường hợp lỗi thuộc về bên cho thuê, hoặc hao mòn tự nhiên đối với tài sản cho thuê.
Cũng mang tính chất của một hợp đồng thuê tài sản thông thường, tuy nhiên đối với việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân thì như đã phân tích, doanh nghiệp tư nhân không chỉ mang tính chất như một tài sản thuộc sở hữu của chủ doanh nghiệp tư nhân mà nó còn mang tính chất pháp lý của một loại hình doanh nghiệp. Chính bởi vậy, đối với việc cho thuê doanh nghiệp tư nhân, mặc dù về bản chất vẫn là việc chuyển giao quyền chiếm hữu và sử dụng toàn bộ doanh nghiệp tư nhân cho người khác trong một thời gian nhất định, để đổi lại là một khoản tiền thuê. Tuy nhiên, khác với việc cho thuê tài sản thông thường, trong quan hệ cho thuê doanh nghiệp tư nhân thì trong thời gian cho thuê, chủ doanh nghiệp tư nhân (bên cho thuê) vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với tư cách là chủ sở hữu doanh nghiệp doanh nghiệp tư nhân. Từ đó có thể khẳng định, trong mọi trường hợp, chủ doanh nghiệp tư nhân đều là người đại diện trước pháp luật. Mọi trường hợp đại diện khác chỉ có thể được thể hiện bằng hợp đồng ủy quyền, có thể bao gồm trong hợp đồng thuê Giám đốc quản lý hoặc hợp đồng cho thuê doanh nghiệp.
Vì vậy, cho dù đã cho thuê doanh nghiệp tư nhân thông qua hợp đồng cho thuê doanh nghiệp, nhưng chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu mọi trách nhiệm đối với hoạt động của doanh nghiệp mình, dù doanh nghiệp đang được người khác thuê và sử dụng. Bên thuê doanh nghiệp tư nhân chỉ có thể làm đại diện nếu được chủ doanh nghiệp tư nhân ủy quyền bằng hợp đồng ủy quyền để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi về những câu hỏi của bạn, căn cứ trên những thông tin bạn đưa ra, đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành. Chúng tôi hi vọng rằng, với những tư vấn này, sẽ giúp bạn có thêm thông tin, và giải pháp để giải quyết vấn đề của mình một cách tốt nhất.