Thứ Sáu (26/04/2024)

Yêu cầu trích dẫn quy định khi đăng ký kinh doanh

Mẹo nhỏ: Tham gia nhóm hỗ trợ AZLAW để được cùng nhau hỏi đáp và hỗ trợ các vấn đề liên quan trên Facebook tại đây hoặc Zalo tại đây

Việc yêu cầu trích dẫn chi tiết ngành nghề theo văn bản pháp luật và ghi rõ điều khoản của văn bản khi thực hiện hồ sơ đăng ký doanh nghiệp có hợp pháp hay không?

Khi tôi tiến hành làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp mới có thực hiện ghi mã ngành nghề cấp 4 theo quy định. Tuy nhiên sau 3 ngày làm việc nhận được thông báo yêu cầu trích luật chuyên ngành đối với ngành nghề mà tôi đã ghi trong hồ sơ đăng ký kinh doanh. Xin hỏi yêu cầu này có đúng hay không? Xin cảm ơn?

Trả lời

Việc ghi ngành nghề kinh doanh trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được thực hiện theo quy định tại điều 7 của nghị định 01/2021/NĐ-CP. Trong đó ngay tại khoản 1 điều này đã yêu cầu ghi mã ngành nghề theo mã ngành cấp 4 (tức là ngành nghề có 4 số) trong quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Về việc đối với một số mã ngành không có trong hệ thống mã ngành kinh tế thì tại khoản 3,4 điều 7 nghị định này quy định như sau:

Điều 7. Ghi ngành, nghề kinh doanh
3. Đối với những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
4. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
5. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét ghi nhận ngành, nghề kinh doanh này vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, đồng thời thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để bổ sung ngành, nghề kinh doanh mới.

Theo quy định này, thì việc ghi mã ngành nghề chỉ cần ghi theo ngành, nghề được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành. Vậy như thế nào là văn bản pháp luật chuyên ngành? Theo quy định tại điều 4 luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định:

Điều 4. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
1. Hiến pháp.
2. Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội.
3. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban thường vụ Quốc hội với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
4. Lệnh, quyết định của Chủ tịch nước.
5. Nghị định của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
6. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
7. Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
8. Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định của Tổng Kiểm toán nhà nước.
9. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh).
10. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
11. Văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
12. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện).
13. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp huyện.
14. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).
15. Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Tuy nhiên, trên thực tế áp dụng quy định thì một số phòng đăng ký kinh doanh không cho phép ghi ngành nghề kinh doanh theo thông tư vì theo quy định của khoản 3 điều 7 Luật đầu tư 2014 quy định:

Điều 7. Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
3. Điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề quy định tại khoản 2 Điều này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Theo cách hiểu của một số chuyên viên thụ lý, thì các thông tư của bộ, văn bản của HĐND, UBND…không nằm trong bốn loại “luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế” thì không được ghi ngành nghề theo các văn bản này. Theo các căn cứ trên, chúng tôi tóm gọn một số nội dung như sau:

Theo đúng quy định thì người thực hiện hồ sơ đăng ký kinh doanh không cần trích dẫn các quy định pháp luật vào trong hồ sơ đăng ký kinh doanh mà chỉ cần ghi ngành nghề theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật mà có quy định về ngành nghề đó. Do vậy, việc yêu cầu trích dẫn văn bản quy phạm pháp luật về ngành nghề là không có căn cứ. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả bài viết thì yêu cầu này là hợp lý do vậy khi thực hiện ghi ngành nghề khách hàng nên trích dẫn kèm theo văn bản pháp luật để chuyên viên thụ lý tiện kiểm tra (mặc dù đây không phải nghĩa vụ được quy định trong luật).

Chỉ nên trích dẫn ngành nghề tại các văn bản “luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế”; đôi khi cách đọc luật và hiểu luật của một số chuyên viên xử lý và cũng do sự chồng chéo của pháp luật hiện hành nên việc áp dụng luật ở một số phòng đăng ký kinh doanh còn có sự khác nhau. Tuy nhiên đứng dưới góc độ học thuật và góc độ thực tế thì người thực hiện hồ sơ có thể tùy từng trường hợp mà xem xét nên trả lời thông báo của phòng đăng ký kinh doanh hoặc làm theo yêu cầu để đẩy nhanh tiến độ hồ sơ

Liên hệ để được hỗ trợ

Bài viết liên quan